Gia Lai: Tuần lễ hoa dã quỳ Chư Đang Ya-Cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 10:00, 13/11/2023

Phiên chợ nông sản an toàn tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2023 được tổ chức trong khuôn viên nhà rông Làng Ia Gri
Gia Lai: Tuần lễ hoa dã quỳ Chư Đang Ya-Cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương
Sản phẩm nấm linh chi đỏ Núi Cờ đạt OCOP 3 sao được đưa đến phiên chợ nông sản an toàn để giới thiệu và quảng bá với du khách. Ảnh: Lê Nam

Đưa sản phẩm nấm linh chi đỏ Núi Cờ đạt OCOP 3 sao đến phiên chợ, ông Hồ Văn Hiếu-Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh)-phấn khởi cho biết: gần 2 năm nay, HTX triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai. Trồng nấm dưới tán rừng sẽ góp phần giảm chi phí chăm sóc rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt có thể tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ nhất là dân tộc thiểu số sống gần rừng. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã đưa sản phẩm dự thi OCOP và đạt 3 sao. Ngoài sản phẩm chính là nấm linh chi đỏ, HTX còn trưng bày thêm các sản phẩm được chế biến sâu từ nấm linh chi đỏ như: cao sơn dương nấm linh chi, rượu nấm linh chi, trà nấm linh chi. “Hy vọng, từ Chương trình OCOP sẽ giúp cho sản phẩm của chúng tôi sẽ được nhiều người biết đến và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Đồng thời, thông qua phiên chợ an toàn tại lễ hội lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh và tìm kiếm được đối tác để mở rộng thị trường”-ông Hiếu chia sẻ.

Gia Lai: Tuần lễ hoa dã quỳ Chư Đang Ya-Cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương

Tương tự, sản phẩm trà hoa vàng của Công ty cổ phần dược phẩm Tâm Phúc Minh (làng Ea Lũ, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cũng vừa được Hội đồng huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Chư Păh chấm đạt 82,44 điểm, đủ điều kiện gửi Hội đồng đánh giá tỉnh, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Chị Nguyễn Thùy Dương-Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Trường Dương-cho biết: từ năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Trường Dương và Công ty cổ phần dược phẩm Tâm Phúc Minh đã tiến hành phát triển 13 ha trồng rừng xen canh cây trà hoa vàng và các loại dược liệu. Tại đây quy trình trồng, chăm sóc được thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ 100%. “Chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm trà hoa vàng trở thành sản phẩm đặc trưng riêng cho Gia Lai. Việc tham gia Chương trình OCOP không chỉ giúp công ty có cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo nhiều cơ hội mở rộng hơn thị trường tiêu thụ. Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya cũng là cơ hội để chúng tôi giới thiệu đến với du khách, người tiêu dùng biết đến tại Gia Lai cũng có trà hoa vàng”-chị Dương cho hay.

Gia Lai: Tuần lễ hoa dã quỳ Chư Đang Ya-Cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương
Chị Lương Thị Dân (làng Dip, xã Ia Kreng) bày bán các sản phẩm măng le khô, chuối hột, mật ong rừng tại gian hàng xã Ia Kreng. Ảnh: Lê Nam

Ngoài các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, tại phiên chợ nông sản an toàn, còn trưng bày các sản phẩm đặc trưng, bán các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện như: cà phê, trà, trà thảo mộc, chuối rừng, măng khô, bột nghệ, miến dong riềng, bột dong riềng, đông trùng hạ thảo, gạo thơm, nếp cẩm, rượu ghè, cá thát lát sông Sê San, trái cây tươi, rau sạch, nấm linh chi, tinh dầu sả, long não, hương nhu… Chị Lương Thị Dân (làng Dip, xã Ia Kreng) cho hay: Hiện nay, người dân trong làng thường vào rừng thu hái lâm sản phụ để chế biến các sản phẩm như: măng le khô, măng nứa khô, chuối hột rừng, chuối cô đơn… để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Chị Dân cũng đề xuất: "Thông qua gian hàng của xã Ia kreng, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến du khách về những sản phẩm của gia đình mình và sảm phẩm của bà con trong xã để kết nối và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi mong muốn các cấp, chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thành sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm".

Gia Lai: Tuần lễ hoa dã quỳ Chư Đang Ya-Cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương
Quang cảnh tại Tuần lễ hoa dã quỳ Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh cho biết: Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya có các hoạt động dân gian như: biểu diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, giã gạo, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, các vật dụng sinh hoạt phục vụ đời sống sinh hoạt của dân tộc Jrai, phục dựng nghi lễ cúng mừng lúa mới; các môn thể thao như: đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đi xe đạp chậm, chạy bộ và leo chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya; các món ăn đặc sản của địa phương: cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì, cà đắng, thịt nướng… Cũng tại tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2023 đã thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm. Phòng phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia bày bán tại phiên chợ.

Gia Lai: Tuần lễ hoa dã quỳ Chư Đang Ya-Cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương
Núi lửa Chư Đang Ya tuyệt đẹp với sắc vàng của hoa dã quỳ.

“Qua phiên chợ nông sản nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...; các sản phẩm tham gia chương trình OCOP; các sản phẩm được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng và mở rộng kênh phân phối sản phẩm. Huyện sẽ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm làm cơ sở tiếp tục tổ chức các phiên chợ để người dân và các hợp tác xã có cơ hội trao đổi, gắn kết các sản phẩm của địa phương với nhau. Đồng thời, đưa các sản phẩm thế mạnh của huyện giới thiệu ra ngoài tỉnh, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn”-ông Sơn cho hay.

Lê Nam