Giải pháp giúp Tây Nguyên phát triển bền vững du lịch văn hoá và sinh thái

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 09:56, 13/11/2023

Chiều 12/11, tại thành phố Pleiku, Tỉnh uỷ Gia Lai và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học phát triển bền vững du lịch văn hoá và du lịch sinh thái bền vững vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.

Tại đây, 50 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đã có những đóng góp giá trị về nghiên cứu và thực tiễn về du lịch Tây Nguyên.

Tây Nguyên là vùng cao nguyên rộng lớn, trải dài trên 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Đây là địa bàn sinh sống của cộng đồng dân cư là các đồng bào dân tộc thiểu số có nền văn hoá đa dạng, đặc trưng. Tây Nguyên có khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái rừng đa dạng, nền văn hoá đặc trưng, nhiều di tích, di sản phi vật thể được UNESCO ghi nhận.

Những điều này tạo ra tiềm năng lớn lao, riêng có để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, cộng đồng, sinh thái, du lịch liên vùng hấp dẫn, tạo giá trị lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, việc khai thác những tiềm năng, lợi thế này còn nhiều hạn chế và đang đối mặt với những khó khăn như tính chuyên nghiệp trong tổ chức du lịch chưa cao, sự liên kết vùng miền chưa hiệu quả, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn hạn chế.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trình bày, thảo luận về các vấn đề như quan điểm về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; tiềm năng lợi thế và khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển du lịch văn hoá và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên; Định vị sản phẩm và liên kết xúc tiến quảng bá nhằm phát triển bền vững du lịch vùng Tây Nguyên;

Cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững du lịch văn hoá, và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay; Định hướng, giải pháp phát triển bền vững du lịch văn hoá, du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên;...

Đại diện nhóm tác giả của Đại học Tây Nguyên trình bày tham luận về Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến cho biết: “Vấn đề đặt ra là làm sao để khách du lịch đến với Tây Nguyên nhiều hơn, và làm sao để họ đến Tây Nguyên rồi, thì đến với Tây Nguyên nhiều hơn nữa. Nhóm chúng tôi có một số khuyến nghị giải pháp trong thời gian tới như tăng trưởng kinh tế cho cộng đồng địa phương bằng đầu tư các khu điểm du lịch chính thức, hoặc bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, có sự tham gia của người dân địa phương”.

Các tác giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị giải pháp về đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phát triển bền vững du lịch văn hoá, du lịch sinh thái; hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo động lực phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá bản địa, xây dựng nông thôn mới; huy động, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch; …

Trình bày về quan điểm, định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới, ông Trương Hải Long- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh đã xác định những định hươngs phát triển du lịch đến 2030. Thứ nhất là phát triển các cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng hạ tầng lưu trú du lịch; xây dựng các dự án phát triển du lịch mới, các khách sạn 4 sao, 5 sao và hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng các dự án đã được phê duyệt; hợp tác du lịch, mở rộng giao lưu, hợp tác, liên kết; tập trung triển khai các dự án du lịch theo hướng tích hợp, tạo hệ sinh thái du lịch, tạo bước đột phá cho du lịch”.

Với số lượng tham luận lớn, nội dung đa chiều, nội dung nghiên cứu kỹ lưỡng, hội thảo giúp ích cho việc tham khảo, nhằm xây dựng cơ chế giải quyết vấn đề du lịch bền vững, hài hoà giữa bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, tài nguyên thiên nhiên với phát triển kinh tế- xã hội tại khu vực Tây Nguyên.

PV