Quy hoạch tỉnh Đắk Nông hé lộ 4 tiểu vùng phát triển
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “Một trung tâm – Ba cực động lực tăng trưởng – Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển’’.
Đắk Nông sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên
HĐND tỉnh Đắk Nông vừa thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch vừa được thông qua, phấn đấu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ; mức thu nhập bình quân của người dân cao hơn bình quân chung của vùng.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Đắk Nông sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Tỉnh cũng thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, kết nối các vùng kinh tế động lực và vùng khó khăn, hạ tầng đô thị, hạ tầng thủy lợi. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương.
Riêng về đột phá phát triển, tỉnh Đắk Nông sẽ phát triển công nghiệp khai thác bô xít – chế biến alumin – luyện nhôm và năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, theo hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Một trung tâm – Ba cực động lực tăng trưởng – Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “Một trung tâm – Ba cực động lực tăng trưởng – Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển’’.
Cụ thể, thành phố Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ của tỉnh; là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên.
Ba động lực tăng trưởng gồm, cực động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R’Lấp – Gia Nghĩa – Quảng Khê, với hạt nhân là đô thị Gia Nghĩa; cực động lực phía Bắc hình thành từ đô thị hạt nhân Ea T’ling (huyện Cư Jút) và đô thị Đắk Mâm (huyện Krông Nô) tạo thành cực tăng trưởng phía Bắc; cực động lực tăng trưởng phía Tây Bắc hình thành từ chuỗi đô thị hạt nhân Đắk Mil và 2 đô thị Đức An (huyện Đắk Song) và Đắk Búk So (huyện Tuy Đức).
Bốn trục hành lang kinh tế gồm đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14, đường Quốc lộ 28, đường Quốc lộ 14C, đường cao tốc CT02.
Đắk Nông còn có bốn tiểu vùng phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiểu vùng trung tâm gồm thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp. Đây là tiểu vùng phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tiểu vùng phía Bắc gồm có huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút sẽ phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu. Tiểu vùng phía Đông gồm huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong sẽ phát triển du lịch (khu vực Tà Đùng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông,…), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp.
Tiểu vùng phía Tây gồm huyện Đắk Song và huyện Tuy Đức. Đây là khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp và kinh tế cửa khẩu.
Tỉnh Đắk Nông cũng sẽ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Theo đó, tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đắk Nông phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm.
Tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít – alumin – nhôm, sau nhôm; phấn đầu trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia;…
Về nông, lâm nghiệp, Đắk Nông phấn đấu phát triển nông nghiệp quy mô lớn, có giá trị cao, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước;…
Đặc biệt, đối với ngành du lịch, Đắk Nông sẽ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phấn đấu doanh thu và lượt khách du lịch tăng bình quân trên 15%/năm.
Đắk Nông tập trung phát triển khu vực Tà Đùng “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên’’ và hệ thống di sản, cảnh quan thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, liên kết tạo thành kết nối chuỗi du lịch từ vùng Đông Nam Bộ hoặc duyên hải Miền Trung – Đắk Nông – Tây Nguyên.