Đức ký thỏa thuận viện trợ phát triển chính thức dành cho Việt Nam
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:23, 09/11/2023
Tiến sỹ Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bà Gisela Hammerschmidt, Vụ trưởng Vụ châu Á, Cao ủy viên đặc trách châu Á của BMZ ký thỏa thuận. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Từ ngày 7-8/11, tại trụ sở Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) ở thành phố Bonn, miền Tây nước Đức, đã diễn ra Hội nghị Thường niên hợp tác phát triển song phương giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đức.
Đoàn Việt Nam do ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dẫn đầu với sự tham gia của các đại diện đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...
Phía Đức do Quốc vụ khanh Bộ BMZ Jochen Flasbarth dẫn đầu với sự tham gia của đại diện các tổ chức tài trợ của Đức như GIZ, KfW, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh tham dự hội nghị.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, hội nghị đã rà soát lại việc triển khai các thỏa thuận và cam kết hợp tác phát triển mà hai bên đã thống nhất cho năm 2022-2023 và thảo luận, thống nhất các dự án và mức viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Đức dành cho Việt Nam giai đoạn 2024-2025, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm giải quyết hiệu quả một số bất cập và thách thức trong quá trình giải ngân và triển khai các dự án phát triển sử dụng vốn ODA và hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Đức tại Việt Nam.
Hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành, hữu nghị và hợp tác trên tinh thần đối tác chiến lược hiệu quả giữa hai nước và đã thành công tốt đẹp.
Hội nghị thảo luận về viện trợ phát triển chính thức dành cho Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Kết thúc hội nghị, bà Gisela Hammerschmidt, Vụ trưởng Vụ châu Á, Cao ủy viên đặc trách châu Á của BMZ và ông Phạm Hoàng Mai đã thay mặt hai Chính phủ ký Biên bản thỏa thuận viện trợ phát triển chính thức của Cộng hòa Liên bang Đức dành cho Việt Nam giai đoạn 2024-2025. Hai bên cũng thống nhất hội nghị tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên tại Việt Nam vào năm 2025.
Về hợp tác phát triển với Việt Nam, trong năm 2021, Chính phủ Đức cam kết viện trợ hợp tác phát triển và hợp tác kỹ thuật cho Việt Nam 152,11 triệu euro (162,64 triệu USD).
Trong khuôn khổ Sáng kiến Bảo vệ Khí hậu Quốc tế, hiện có 7 dự án song phương đang được triển khai với tổng giá trị khoảng 25,4 triệu euro (27,16 triệu USD), tập trung vào tư vấn chính sách khí hậu về các chủ đề giảm khí nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngoài ra, một dự án của Bộ Môi trường liên bang với tổng giá trị khoảng 11 triệu euro (11,76 triệu USD) hiện đang được dành cho chương trình chống rác thải biển ở Việt Nam.
Các đại biểu dự hội nghị thảo luận về viện trợ phát triển chính thức dành cho Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Bên cạnh đó, có 3 dự án song phương đang trong quá trình chuẩn bị với tổng số vốn theo kế hoạch là 39 triệu euro (41,7 triệu USD), trong khi đối với 3 dự án khu vực và 2 dự án toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ nhận được tổng cộng khoảng 64 triệu euro (68,43 triệu USD).
Về tổng thể, Chính phủ Đức đánh giá kết quả hợp tác phát triển với Việt Nam "thành công," chất lượng hợp tác cũng như hiệu quả của sự hợp tác tam giác với Việt Nam là "rất tốt."
Các chính sách phát triển của Đức đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ chính trị với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm các lĩnh vực chính sách môi trường-khí hậu-và năng lượng, quản trị tốt, đào tạo nghề, kết nối, luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nhân quyền./.