Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết luận kiểm tra TikTok Việt Nam

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:31, 05/10/2023

Chiều 5/10, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã công bố kết luận kiểm tra những sai phạm của TikTok tại Việt Nam và các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước với công ty TikTok Singapore.

Nền tảng TikTok tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là nền tảng TikTok), là dịch vụ xuyên biên giới được TikTok Pte. Ltd (còn gọi là Công ty TikTok Singapore) quản lý, vận hành, cung cấp vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok từ cuối năm 2017 và trở nên phổ biến từ năm 2021.

Thời gian qua, hoạt động của nền tảng TikTok có tác động không nhỏ đời sống xã hội trong nước, trong đó có những hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.

Nhằm tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm của nền tảng này, từ ngày 22/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Đối tượng kiểm tra là 2 pháp nhân của TikTok tại Việt Nam, cụ thể: Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng TikTok) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam).

Những nội dung kiểm tra trọng tâm bao gồm: việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng tại Việt Nam; việc chấp hành các quy định về quảng cáo; việc bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan; việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Sau khi kết thúc kiểm tra, xác minh trực tiếp tại trụ sở của Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam, Đoàn kiểm tra tiếp tục thu thập, nghiên cứu các tài liệu liên quan, xác minh, tổ chức làm việc và yêu cầu các đối tượng kiểm tra bổ sung hồ sơ, tài liệu cần thiết để phục vụ cho công tác kiểm tra.

Trên cơ sở Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra, ngày 29/9/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kết luận kiểm tra số 08/KL-BTTTT về việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Theo đó, kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy:

Một là, Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành.

Hai là, riêng đối với dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, do Văn phòng TikTok thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập “Sàn giao dịch thương mại” thông qua ứng dụng TikTok theo ủy quyền của TikTok Singapore, nên theo quy định về thương mại điện tử, Văn phòng TikTok phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ này theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ba là, TikTok Pte. Ltd (TikTok Singapore) không phải là đối tượng kiểm tra nhưng lại là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Vì vậy, TikTok Singapore là đơn vị chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Đoàn kiểm tra đã xác lập được một số hành vi vi phạm của TikTok Singapore trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó có những hành vi nổi bật như sau:

Về cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em:

​Lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN tại Việt Nam, cụ thể: Thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em…

Quy trình kiểm duyệt nội dung chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung dựa trên sự tương tác, sở thích, sự quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm.

Không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên;

Chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng; chưa thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tới Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của nền tảng TikTok.

Về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:

​Chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 (sửa đổi tại điểm b khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022).

Chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

Chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định...

Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra kiến nghị các biện pháp xử lý như sau:

Yêu cầu Văn phòng TikTok chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua ứng dụng TikTok; được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Kiến nghị đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Kết luận kiểm tra và tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam của TikTok Singapore.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông:

Có biện pháp xử lý buộc TikTok Singapore khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam đã được chỉ ra tại Kết luận kiểm tra, cụ thể:

Thứ nhất, gỡ bỏ 100% các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp để ngăn chặn những nội dung vi phạm đã bị chặn gỡ được đăng tải lại. Bổ sung việc tuân thủ pháp luật Việt Nam vào Tiêu chuẩn cộng đồng. Có thông báo định kỳ đến tất cả người dùng TikTok về việc phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, nghiêm cấm đăng tải các nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam và cảnh báo về các chế tài xử phạt, biện pháp xử lý nếu người dùng đăng tải, chia sẻ nội dung vi phạm pháp luật (tùy theo mức độ vi phạm, tài khoản có thể bị tạm khóa, xóa vĩnh viễn,…).

Không sử dụng thuật toán để tạo xu hướng hoặc đề xuất đến người dùng các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, cấm hoàn toàn quảng cáo chính trị có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Phối hợp cung cấp thông tin để xác minh, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện trên nền tảng TikTok theo quy định.

Thứ hai, triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định tại Điều 33, 34, 35, 36, 37 chương IV về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

Trong đó, đặc biệt lưu ý triển khai: (1) Xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi sử dụng TikTok, xóa các tài khoản trẻ em dưới 13 tuổi; (2) Giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua TikTok; (3) Bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em, khi đăng lên cần có sự đồng ý của trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ em hoặc video cần phải che mặt, làm mờ hình ảnh trẻ em trước khi đăng lên; (4) Cảnh báo về độ tuổi cho các video trên TikTok, kiểm soát chặt chẽ video có nội dung nhảm nhí, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em (app for kid) tại Việt Nam.

Thứ ba, cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung (đặc biệt là với hình thức Livestream) để chủ động ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng TikTok (bao gồm cả công nghệ, phần mềm, nhân sự, quy trình và các tiêu chí kiểm duyệt); có giải pháp cụ thể, hiệu quả làm trong sạch nền tảng của mình, hạn chế tin giả, tin xấu độc.

Thứ tư, ủy quyền kiểm soát nội dung trên nền tảng TikTok tại Việt Nam cho pháp nhân của TikTok tại Việt Nam (Văn phòng đại diện hoặc Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam) để xử lý hiệu quả các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước;

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan để quản lý các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok (KOL, KOC, nghệ sĩ,…): (1) Thực hiện các biện pháp để hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật, biểu diễn,… trên nền tảng TikTok của những nhà sáng tạo nội dung khi vi phạm quy định pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng; (2) Định hướng các nhà sáng tạo nội dung không tạo nội dung độc hại, xây dựng và lan tỏa những nội dung sạch, tham gia các hoạt động truyền thông chính sách do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm làm trong sạch không gian mạng, nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng;

Thứ sáu, có thỏa thuận với các cơ quan báo chí Việt Nam khi hợp tác phân phối, chia sẻ nội dung trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam về bản quyền.

Đề nghị Bộ Công an:

Yêu cầu TikTok Singpore thực hiện lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam theo quy định và ủy quyền cho pháp nhân của TikTok tại Việt Nam đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo quy định của Việt Nam;

Giám sát việc triển khai lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam của TikTok Singapore theo Kết luận kiểm tra;

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng TikTok tại Việt Nam.

Đề nghị Bộ Công thương:

Có biện pháp xử lý buộc TikTok Singapore khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại xuyên biên giới vào Việt Nam được chỉ ra tại Kết luận kiểm tra, cụ thể:

Có giải pháp, công cụ nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại: Điều 30 đến Điều 43, Điều 56-57, Điều 68 đến Điều 74, Điều 76 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Thương mại điện tử (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), cụ thể: (1) Phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng về danh sách người bán trên TikTok Shop phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan tới thương mại điện tử và thuế; (2) Có giải pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật; (3) Có công cụ và biện pháp kiểm soát theo từ khóa và lọc thông tin theo từ khóa trước khi thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiển thị trên ứng dụng; (4) Có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (5) Có biện pháp cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật; (6) Có biện pháp phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên ứng dụng;

Cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin trên ứng dụng theo quy định.

Bổ sung và hoàn thiện Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho TikTok Shop.

Nâng cao trách nhiệm xử lý giải quyết tranh chấp, khiếu nại của TikTok Shop tại thị trường Việt Nam.

Có hình thức xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm của TikTok Singapore và Văn phòng đại diện của TikTok Pte. Ltd trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử tại Việt Nam; (3) Giám sát việc khắc phục sai phạm trong việc cung cấp sàn thương mại điện tử của Văn phòng đại diện và TikTok Singapore theo Kết luận kiểm tra; tăng cường giám sát hoạt động cung cấp sàn thương mại điện tử thông qua ứng dụng TikTok tại Việt Nam.

Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội:

Tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; khai thác, vận hành hiệu quả mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giám sát việc chấp hành Luật Trẻ em, các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội của TikTok tại Việt Nam

Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý quản lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trên nền tảng TikTok; giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về bản quyền tác giả và quyền liên quan của TikTok tại Việt Nam.

LÂM THẢO