Y tế - Sức khỏe

Đắk Nông cần sự chung tay trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân

Hồ Long 08/11/2023 05:36

Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hoàn thiện thấp. Mức độ lưu thông kết nối thông tin dữ liệu giữa các tuyến chưa cao.

z4840903961364_f70f61a417a9707b1d56e14c6709c287(1).jpg
Tuyên truyền, hướng dẫn học sinh sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 599.774/649.602 người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt tỷ lệ 92,32% tổng dân số. Trong đó, 5/8 huyện tạo lập hồ sơ đạt tỷ lệ trên 90% bao gồm: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô và Tuy Đức.

Tuy nhiên, trong số 599.774 hồ sơ được khởi tạo, toàn tỉnh chỉ có gần 200.000 hồ sơ (khoảng 30%) được hoàn thiện và cập nhật thông tin về lịch sử khám, chữa bệnh hoặc tiêm chủng. So với kế hoạch đề ra, việc tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân chưa đạt chỉ tiêu, nguyên nhân chính là chưa cập nhật hoàn chỉnh thông tin hồ sơ theo Quyết định 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế.

Quyết định 831/QĐ-BYT quy định, một hồ sơ sức khỏe điện tử hoàn chỉnh phải đầy đủ 4 nhóm thông tin A,B,C,D. Trong đó, A- thông tin hành chính, về tên tuổi, nơi ở…; B- nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan sức khỏe như tình trạng lúc sinh, yếu tố nguy cơ đến sức khỏe cá nhân…; C- tiêm chủng, bao gồm tiêm chủng cơ bản, tiêm chủng ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng uốn ván và D- khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Để cập nhật đủ các nhóm thông tin theo quy định, hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc cả khách quan và chủ quan. Hiện nay, tại tuyến cơ sở, lượng người đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế rất thấp, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc cập nhật và nhập liệu các nhóm thông tin trên hồ sơ sức khỏe theo quy định.

Mặt khác, hạ tầng công nghệ thông tin tại các trạm y tế hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai các hoạt động nhập liệu do máy tính cũ, hư hỏng, hệ thống internet chưa ổn định… Các thông tin về dân số trích xuất từ bảo hiểm xã hội tỉnh chưa đầy đủ, không cập nhật được đối tượng chuyển khẩu hoặc tử vong; nhóm thông tin phần C (tiêm chủng) của hồ sơ sức khỏe chưa liên thông, kết nối được với phần mềm của hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia và với phần mềm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đang cùng lúc triển khai nhiều phần mềm theo dõi công tác chuyên môn khác nhau, điều này vừa gây khó khăn cho công tác quản lý, vừa gây thiếu nhân lực thực hiện. Ngoài ra, do nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp, việc tổ chức khám phát hiện, sàng lọc bệnh nhân, qua đó cập nhật dữ liệu thông tin về tiền sử và các yếu tố liên quan đến sức khỏe vào hồ sơ sức khỏe điện tử cũng rất hạn chế.

Tháng 12/2020, Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phần mềm khám chữa bệnh tuyến xã (His) và Phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 2 năm thực hiện, kết quả chưa đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử hoàn thiện thấp; mức độ lưu thông kết nối thông tin dữ liệu giữa các tuyến chưa cao.

Để góp phần hoàn thiện các chỉ tiêu y tế trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời từng bước hiện đại hóa ngành Y tế, việc triển khai sổ khám chữa bệnh điện tử và hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử là cần thiết và đòi hỏi sự hỗ trợ, phối hợp thực hiện đồng bộ của các ban, ngành chức năng. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa của hồ sơ điện tử.

Về phía ngành Y tế, tùy vào chức năng nhiệm vụ, từng đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chuyên môn như: cập nhật dữ liệu; tổ chức giám sát, hỗ trợ, đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ,… Đồng thời, việc kết nối, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức thiết lập hồ sơ cần được đẩy mạnh.

Hồ Long