Xây dựng Đảng

Hạ tầng giao thông Đắk Nông nửa nhiệm kỳ nhìn lại (kỳ 1): Hiện thực vai trò đột phá chiến lược

Thanh Bình - Lê Phước 19/10/2023 10:23

Đắk Nông xác định giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2020-2025. Qua nửa nhiệm kỳ, mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông cơ bản đạt kế hoạch, góp phần hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu khác.

ky-1(1).png

Tỉnh Đắk Nông đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Qua nửa nhiệm nhiệm kỳ, "bộ mặt" giao thông của tỉnh đã có nhiều thay đổi, xứng đáng với vai trò đột phá chiến lược.

Xuất phát điểm thấp

Từ trước tới nay, Đắk Nông chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ. Đường không, đường sắt chưa được xây dựng. Còn đường sông khó khăn về địa hình, nên khai thác không đáng kể.

dji_0871(1).jpg
Đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) là tuyến đường huyết mạch, kết nối Đắk Nông với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn thiếu đồng bộ, chuyển biến chậm, chưa đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2019, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông Đắk Nông thuộc hạng thấp, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Những yếu kém về kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang hiện rõ trong mọi mặt của đời sống. Trong đó, các tuyến tỉnh lộ chủ yếu có 1 làn xe (chiếm 81%) và chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ.

z4821059499329_0081fa6b21853b60d251cfd49e40212c.jpg
Hiện trạng hạ tầng giao thông của Đắk Nông trong năm 2020

Tỷ lệ đường huyện chưa được nhựa hóa, bê tông hóa còn chiếm 24%. Nhiều tuyến đường quan trọng được đầu tư xây dựng đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được nâng cấp, cải tạo…

Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết mưa bão, lũ lụt bất thường, khiến cho hạ tầng, kết cấu giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường vừa được gia cố, sữa chữa lại bị hư hỏng, khiến cho việc duy tu, cải tạo thêm phần khó khăn vì mất nhiều kinh phí.

dji_fly_20230805_112616_754_1691209582979_photo_optimized-1-.jpg
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) bị sụt lún, đứt gãy

Đơn cử, trong tháng 8/2023, do mưa lũ kéo dài nhiều ngày, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh bị sụt lún, hư hỏng năng nề. Địa phương phải di dời hàng chục hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Việc sửa chữa, khắc phục các điểm sạt lở, hư hỏng mất rất nhiều kinh phí.

Tổng chiều dài đường bộ của tỉnh Đắk Nông hiện nay là hơn 4.682 km. Trong đó, có 497 km quốc lộ; 226 km tỉnh lộ; 700 km đường huyện; 297 km đường đô thị; 2.094 km đường xã, thôn, bon; 58 km đường chuyên dùng.

Nỗ lực vượt khó

Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh tới việc ưu tiên phát triển các dự án kết nối hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, có tính kết nối, lan tỏa.

Trong đó, trọng tâm là kết nối với các khu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và du lịch trọng điểm của tỉnh. Tỉnh huy động tối đa nguồn lực, ưu tiên các dự án đầu tư theo hình thức PPP để kết nối hạ tầng giao thông. Nguồn ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư vào các công trình giao thông thiết yếu, quan trọng…

do-hoa-t5-thay.png
Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của Đắk Nông đến năm 2023

Mục tiêu của nghị quyết nêu rõ, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa khoảng 380 km đường, nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường toàn tỉnh từ 65% lên 73%.

Trong đó, tỷ lệ nhựa hóa đường huyện được đầu tư nâng từ 76% lên 88%. Một số tuyến đường đô thị quan trọng được nâng cấp và xây dựng mới, với chiều dài khoảng 40 km.

Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 270 km đường xã, thôn, buôn được đầu tư nâng cấp. Các tuyến tỉnh lộ được đầu tư khoảng 82 km, với quy mô 2 làn xe.

Qua nửa nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành khoảng 413 km đường bộ. Trong số này, có 183 km đường nâng cấp cải tạo. Có 44 km đường được xây dựng mới.

Đắk Nông đã nhựa hóa hơn 186 km, nâng tỷ lệ nhựa hóa toàn tỉnh từ 65% lên 69%. Dự kiến, đến hết năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 70% các tuyến đường được nhựa hóa. Như vậy, nếu phấn đấu hết cả nhiệm kỳ, mục tiêu phát triển giao thông của tỉnh có khá năng vượt xa kế hoạch đề ra.

img_7288(1).jpg
Quốc lộ 28 đoạn qua xã Đắk Som (Đắk Glong) được thảm nhựa lại mặt đường
img_7312(1).jpg
Các đoạn tuyến hư hỏng thường xuyên trên quốc lộ 28, đoạn qua huyện Krông Nô được cải tạo, nâng cấp
img_7503(1).jpg
Nhiều đoạn tỉnh lộ được thảm lại mặt đường
img_7469(1).jpg
Qua nửa nhiệm kỳ, hàng trăm km đường các loại tại Đắk Nông đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa
img_2809-copy(1).jpg
Các tuyến đường đô thị cũng được nâng cấp, mở rộng

Theo Sở GT-VT, các tuyến đường giao thông thiết yếu, dự án lớn về giao thông được đầu tư xây dựng. Các tuyến đường huyện, đường đến trung tâm xã, đường nội buôn, bon được tập trung đầu tư đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao. Chỉ tiêu nhựa hóa đường giao thông hàng năm đều đạt so với kế hoạch đề ra.

Dần đồng bộ hóa

Để phát triển các dự án kết nối hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, có tính kết nối, lan tỏa, Đắk Nông đề nghị Bộ GT - VT đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ 28, gồm 2 đoạn.

Đoạn 1, từ Gia Nghĩa - Quảng Khê - Đắk Som (Đắk Glong). Đoạn này kết nối Gia Nghĩa với Khu du lịch Tà Đùng. Trong đó, tỉnh đề nghị ưu tiên sớm đầu tư đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê. Đoạn 2, từ trung tâm thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) đi thị trấn Ea T’ling (Cư Jút).

dji_0019-1-.jpg
Quốc lộ 28 đoạn qua xã Quảng Khê (Đắk Glong) là 1 trong 2 đoạn tỉnh Đắk Nông đề xuất cần ưu tiên đầu tư
dakmam(1).jpg
Đoạn quốc lộ 28 qua thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) đã được nâng cấp mới đây

Đắk Nông kiến nghị Trung ương bổ sung Quy hoạch đường cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước) vào Quy hoạch xây dựng đường cao tốc Quốc gia, thời kỳ 2021 - 2030, với hình thức đầu tư PPP.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 130 km. Hiện dự án đã được trình Hội đồng thẩm định Quốc gia tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tỉnh cũng đã và đang chuẩn bị giải phóng mặt bằng từng đoạn…

du-an-cao-toc-edit.png
Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực to lớn đối với sự phát triển của Đắk Nông

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục phối hợp với Bộ GT - VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương lập Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước).

Tuyến này nối với tuyến đường sắt xuyên Á xuống cảng Thị Vải (tuyến Đắk Nông - Chơn Thành - Dĩ An - Lộc Ninh đến cảng Thị Vải). Tuyến đường sắt này phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, nhất là bô xít và các sản phẩm từ ngành công nghiệp alumin, nhôm…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Đắk Nông phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá, gồm các tuyến cao tốc còn lại, quốc lộ trọng yếu, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, tuyến có tính kết nối…

Bài, ảnh: Thanh Bình - Lê Phước

Trình bày: Lê Phước

(Kỳ 2: Quyết tâm về đích)

Thanh Bình - Lê Phước