Ấn tượng giảm nghèo ở Krông Nô
Trong 20 năm qua, công tác giảm nghèo luôn được huyện Krông Nô (Đắk Nông) quan tâm đặc biệt và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng ở lĩnh vực này.
Đời sống người dân ngày một đổi thay
Trước đây, gia đình ông Y Ghe, ở buôn Ol, xã Đắk D’rô, luôn gặp khó khăn về kinh tế do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất. Nguồn thu từ cây lúa, cây bắp không nhiều, nên gia đình thường thiếu đói vào thời điểm giáp hạt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của gia đình ông Y Ghe từng bước được ổn định và thoát nghèo.
Ông Y Ghe cho biết: “Cuộc sống của gia đình tôi đến nay đã ổn định hơn. Chúng tôi được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất và tập huấn kỹ thuật. Nhờ đó, hiệu quả từ trồng trọt được nâng cao, đời sống ổn định hơn”.
Cũng như ông Y Ghe, cuộc sống các hộ dân trên địa bàn xã Đắk D’rô, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ngày một ổn định. Nhiều hộ còn có của ăn, của để, xây dựng nhà cửa khang trang và vươn lên làm giàu.
Theo UBND xã Đắk D’rô, những năm qua, địa phương luôn định hướng cho người dân tích cực thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Xã hướng dẫn người dân tập trung sản xuất các nhóm cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Bà con cũng tập trung chăn nuôi các vật nuôi có thị trường tiêu thụ lớn như gia cầm, heo, bò…
Xã hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn khuyến nông Trung ương, các Chương trình 102, 135, Dự án 3EM, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên… Người dân cũng được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Ông Phạm Ngọc Thiệu, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rô cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của người dân, các dự án, chương trình giảm nghèo phát huy hiệu quả, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.
Còn tại xã Buôn Choáh, với lợi thế đất đai phù hợp với sản xuất lúa nước, nên địa phương xác định lúa là cây trồng mũi nhọn, chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Xã đã tập trung giúp đỡ, hướng dẫn người dân sản xuất lúa một cách bài bản, khoa học, hướng tới quy mô hàng hóa. Nhờ đó, sau một thời gian, nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn đã tạo được nguồn thu nhập ổn định. Nhờ cây lúa, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Anh Y Hinh, một người dân trong xã cho biết: "Từ khi được ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn trồng lúa nước, đất rẫy dành để trồng bắp, cà phê, cuộc sống của gia đình anh không còn lo thiếu đói".
Thay đổi ngoạn mục
Theo ông Trần Mạnh Thái, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Krông Nô, năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm 60,62%. Đến năm 2022, toàn huyện giảm còn 851 hộ nghèo, chiếm 4,32%. Có 10/12 xã, thị trấn trên địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Huyện đánh giá, giảm nghèo là dấu ấn lớn nhất của địa phương trong vòng 20 năm qua.
Tính riêng ở khu vực nông thôn, giai đoạn 2008-2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 2,45%/năm; giai đoạn 2011-2015 giảm bình quân 2,13%/năm; giai đoạn 2016-2020 giảm hơn 2%/năm.
Cũng theo ông Trần Mạnh Thái, sau gần 20 năm tái lập tỉnh, công tác bảo đảm an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giảm nghèo hiệu quả đã góp phần duy trì ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện hướng tới những mục tiêu cao hơn trong phát triển kinh tế-xã hội ở giai đoạn tiếp theo.