Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài nguyên - Môi trường

Đức Diệu 06/11/2023 19:50

Trong ngày chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đắk Nông đã có nhiều đại biểu đăng đàn chất vấn các bộ trưởng về lĩnh vực Tài nguyên-Môi trường; Giao thông –Vận tải…

Lập bản đồ vùng sạt lở để quy hoạch, di dời dân

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thời gian qua, thiên tai như sạt lở, lũ quét ở Việt Nam diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Với thực tế trên, đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân?”

1_11-anh-toan-canh-hoi-truong(1).jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 6/11

Trả lời đại biểu Kiều, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Theo đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nền địa chất non trẻ, dễ bị sụt lún. Vùng Tây Nguyên địa chất nhiều lát cắt, khi có mưa lớn gây sạt lở rất nguy hiểm.

Giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới là tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư theo dự báo sạt lở, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển. Bộ cũng đề xuất dự án về công trình và phi công trình phòng chống sạt lở.

"Vừa qua, Thủ tướng đã đi khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo trình các dự án kè sông, các dự án ODA. Hiện ĐBSCL có 16 dự án ODA gần 2 tỷ USD. Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gắn với việc phòng chống sạt lở" – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.

dai-bieu-hang-ngay-6(1).jpg
ĐBQH Phạm Thị Kiều chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường về phòng chống thiên tai

Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề tại các vùng núi cần phải lựa chọn nơi để phát triển kinh tế xã hội và bố trí dân cư. Một giải pháp phi công trình nữa là trồng cây bản địa như ĐBSCL có cây đước, bần, miền núi có cây tre, nứa…. Đặc biệt không xây dựng các công trình lớn ở nơi có nguy cơ sạt lở cao.

Khi nào triển khai đầu tư các tuyến đường sắt

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đặt vấn đề: Đường sắt kết nối với các cảng biển, sân bay, các khu công nghiệp rất quan trọng. Việc thúc đẩy vận tải đường sắt khối lượng lớn, an toàn sẽ giảm tải cho đường bộ. Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đề ra một số tuyến đường sắt kết nối như Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Biên Hòa, Vũng Tàu, Long Thành... Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã có kế hoạch gì để triển khai đầu tư các tuyến đường này?

Trả lời chất vấn của đại biểu Hằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về quan điểm của Bộ về phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Trong nhiệm kỳ này, hiện đã dành trên 375 ngàn tỷ đồng để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.

Bộ trưởng nêu rõ, cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh: Hà Nội – Hải Phòng, Bến Lức – Long Thành, Phan Thiết – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu.

Nguyên tắc thứ hai là đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao, thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải bảo đảm. Cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.

Với những nguyên tắc trên, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để bảo đảm cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.

Đức Diệu