EU nỗ lực chống ô nhiễm môi trường

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:54, 05/11/2023

Liên minh châu Âu (EU) mới đây công bố kế hoạch hạn chế ô nhiễm môi trường do rò rỉ vi nhựa từ các hạt nhựa được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp. Đây là một bước đi tích cực của EU hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường bị ví như "sát thủ thầm lặng", dẫn đến hàng nghìn ca tử vong ở các nước trong khu vực.

Theo kế hoạch hạn chế ô nhiễm môi trường mới đây của EU, giới chức khối này yêu cầu các nhà khai thác viên nhựa phải thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm rằng, loại vật liệu này sẽ không bị rò rỉ ra ngoài môi trường do xử lý sai cách. Mỗi năm, có từ 52.000 đến 184.000 tấn viên nhựa bị thải ra ngoài môi trường ở khu vực này do xử lý không đúng phương pháp.

Cũng theo kế hoạch trên, các công ty sẽ phải tiến hành đánh giá rủi ro, bảo đảm hoạt động của họ đang tuân thủ các biện pháp phù hợp nhằm tránh làm rò rỉ vi nhựa. Trong trường hợp xảy ra sự cố, các công ty phải nhanh chóng có các hoạt động làm sạch môi trường.

Ủy ban châu Âu (EC) kỳ vọng rằng, kế hoạch trên sẽ giúp giảm 74% lượng viên nhựa thải ra ngoài môi trường hiện nay. Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, gây đe dọa tới đa dạng sinh học, nhất là sự sinh tồn của các loài sinh vật biển.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng khẳng định, ô nhiễm nhựa là một quả bom hẹn giờ.

Theo một kết quả nghiên cứu, nhựa chiếm tới 80% lượng rác thải được tìm thấy trong môi trường biển và ven biển của ba quốc gia Địa Trung Hải là Tunisia, Italia và Liban. Hồi tháng 4 vừa qua, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thông báo, thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa mỗi năm; đồng thời ước tính con số này sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060 nếu không có hành động khẩn cấp.

UNEP cũng nêu rõ, chỉ có khoảng 9% rác thải nhựa trên toàn cầu được tái chế.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi mịn cũng là vấn đề gây nhức nhối trên toàn cầu. Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cảnh báo, ô nhiễm không khí do bụi mịn là nguyên nhân dẫn đến 238.000 ca tử vong sớm tại các nước EU hồi năm 2020. Là các hạt vật chất mịn, thường xuất hiện trong khí thải ô-tô, nhà máy nhiệt điện than, bụi mịn có thể xâm nhập vào đường hô hấp, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, hen suyễn và bệnh phổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới bảy triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới, ngang với con số tử vong vì các nguyên nhân khác như hút thuốc, chế độ ăn uống thiếu chất...

Hồi cuối năm 2022, các chuyên gia đã đưa ra kết quả nghiên cứu khẳng định mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường và tỷ lệ sinh thấp. Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu trong dự án EcoFoodFertility của Hiệp hội nghiên cứu Y học sinh sản Italia, những người sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm môi trường cao tại Italia bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Điều đáng nói là, dù vấn đề ô nhiễm môi trường mang đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng lại không được nhiều quốc gia đề cập đến trong bản kế hoạch hành động vì khí hậu trình lên Liên hợp quốc. Theo Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu (GCHA), chỉ có 51 trong số 170 bản kế hoạch được trình lên đề cập đến những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người.

GCHA nhấn mạnh, việc không xem xét vấn đề ô nhiễm không khí trong các bản kế hoạch đồng nghĩa rằng các nước đang bỏ lỡ cơ hội bảo vệ Trái đất, người dân và các nền kinh tế. GCHA cũng kêu gọi các nước tài trợ khẩn cấp cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm môi trường kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của mọi người, gây ra thiệt hại về kinh tế. Bởi vậy, cộng đồng quốc tế cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn những "kẻ giết người thầm lặng" này.

HẢI AN