Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Nhiều thay đổi mang tính cách mạng
Chính sách - Ngày đăng : 09:39, 03/11/2023
Cải cách bảo hiểm xã hội và cải cách tiền lương sẽ gần như song hành với nhau
Chiều 02/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự thảo Luật lần này bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là bước thay đổi căn bản, có tính chất cách mạng về chính sách bảo hiểm xã hội.
Gợi ý một số vấn đề lớn cần quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cùng hiến kế để có thiết kế chính sách tối ưu, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đã ban hành 2 Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Trong đó, chính sách cải cách tiền lương dự kiến bắt đầu từ năm 2021. Tuy nhiên do tác động của đại dịch COVID-19 nên đến nay Trung ương đã có kết luận để Chính phủ trình Quốc hội quyết định thực hiện từ ngày 01/7/2024.
Đối với cải cách bảo hiểm xã hội, một số nội dung đã được thể chế hóa như về tuổi nghỉ hưu được quy định trong Bộ luật Lao động và còn một số nội dung về cải cách bảo hiểm xã hội được tiến hành sau.
Do đó nếu dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này được Quốc hội xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ 7 thì cải cách bảo hiểm xã hội và cải cách tiền lương sẽ gần như song hành với nhau.
Cải cách bảo hiểm xã hội: Nhiều thay đổi mang tính cách mạng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cải cách bảo hiểm xã hội lần này là bước thay đổi căn bản về chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng hình thành chế độ bảo hiểm xã hội đa tầng. Tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí. Tầng thứ hai là bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tầng thứ ba là bảo hiểm xã hội tự nguyện tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trợ cấp hưu trí là nội dung mới, theo đó, Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Mặc dù lấy từ nguồn ngân sách nhưng vẫn bảo đảm được nguyên tắc của bảo hiểm là đóng hưởng.
Chính sách thứ hai trong cải cách bảo hiểm xã hội lần này là giảm thời gian đóng hưởng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là xu hướng thế giới. Khi mà xã hội ngày càng phát triển, tiền lương ngày càng tăng, thì số năm đóng càng thấp, mức đóng lớn thì mức hưởng cũng sẽ lớn. Việc giảm thời gian đóng cũng góp phần thực hiện giảm rút bảo hiểm một lần.
Một chính sách khác là cách tính và quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội cũng có những điểm khác.
Đây là những thay đổi có tính chất cách mạng. Với tinh thần đó, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này có sự chuẩn bị công phu, bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Linh động trong quy định về việc điều chỉnh độ tuổi và mức hưởng trợ cấp hưu trí
Cho ý kiến về quy định trợ cấp hưu trí xã hội được quy định từ Điều 20 đến Điều 24 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần nhận diện bản chất của trợ cấp hưu trí xã hội giống như trợ cấp cho người cao tuổi hiện nay, đều có nguồn từ ngân sách nhà nước.
Về mặt nguyên tắc, độ tuổi được hưởng trợ cấp hữu trí sẽ ngày càng giảm xuống và giảm cho đến bao giờ chạm đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời mức trợ cấp sẽ ngày càng tăng lên, tùy vào khả năng của ngân sách nhà nước.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Quy định về nội dung này trong dự thảo Luật phải có cách thức linh động, không đóng khung.
Theo đó linh hoạt đối với quy định về việc điều chỉnh giảm dần tuổi và mức hưởng cụ thể bằng cách giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo đề nghị của Chính phủ cho phù hợp với từng thời kì để bảo đảm không phải sửa Luật mà vẫn vận hành được.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ, trợ cấp hưu trí là do ngân sách nhà nước đóng. Về điều kiện được hưởng trợ cấp hưu trí, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề về việc có cần thiết có thêm điều kiện về “không có thu nhập riêng ổn định và các khoản thu nhập khác” hay không.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có rà soát Luật Người cao tuổi với luật này để có sửa đổi tương ứng. Do đối tượng đang hưởng trợ cấp cho người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi được chuyển sang thực hiện trợ cấp hưu trí theo luật này.
Rút bảo hiểm xã hội một lần: Thiết kế chính sách bảo đảm cho người dân có quyền lựa chọn
Về rút bảo hiểm xã hội một lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là nội dung được người lao động đặc biệt quan tâm.
Ông cho biết, kinh nghiệm thế giới cũng như nhiều tài liệu của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho thấy nhiều nước không cho rút bảo hiểm xã hội một lần.
Nguyên nhân là do đặc điểm tình hình kinh tế xã hội nhiều nước phát triển, chính sách bảo hiểm xã hội có từ lâu đời, mức sống cao, lưới an sinh được bảo đảm nên không có nhu cầu hoặc không quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tuy nhiên đặc điểm tình hình của nước ta có những khác biệt đòi hỏi có sự nghiên cứu để có phương án thiết kế chính sách phù hợp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm mà cần có thiết kế chính sách để cho người dân có quyền lựa chọn và có thể giữ chân được người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm.
Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng không thể cấm bởi đó là nhu cầu thực thế của người lao động, còn rất nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn, cần có một khoản để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Đồng thời quy định việc rút bảo hiểm xã hội một lần không nên phân biệt về thời điểm trước khi hay sau khi luật này có hiệu lực.
Hiện dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Theo đó, phương án 1 quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Phương án 2 quy định theo hướng chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh 2 phương án như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này cũng có ý kiến đề nghị tích hợp 2 phương án lại.
Lưu ý rằng thiết kế chính sách cần thu hút được người lao động, để người lao động thấy được những lợi ích thiết thực và bảo đảm cho người lao động có quyền lựa chọn phương án tốt nhất, Chủ tịch Quốc hội gợi ý có thể quy định về thời gian đóng chưa đủ điều kiện hưởng hưu mà gặp khó khăn thì có thể có hỗ trợ, trợ cấp, hoặc vẫn được hỗ trợ về bảo hiểm y tế hoặc quy định cho người lao động được rút một phần và lưu lại một phần để có thể quay trở lại…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội hiến kế để có cách thiết kế chính sách đảm bảo tối ưu cho nội dung này.
Luật hóa các quy định về kế toán, kiểm toán, báo cáo hoạt động của Quỹ Bảo hiểm xã hội
Về Quỹ Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách lớn nhất. Quỹ ngoài ngân sách nhưng lại thông với ngân sách và do ngân sách bảo trợ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc sửa đổi tên Điều “Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội” bởi trong thực tế hiện nay, “chi phí quản lý bảo hiểm xã hội” đang bao gồm chi cho cả nhân lực, chi thường xuyên, chi đầu tư, truyền thông, hoạt động nghiệp vụ… Như vậy, thực chất là chi cho tổ chức và hoạt động của Quỹ này.
Do vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu đổi tên điều luật để bảo đảm phù hợp với các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 118 của dự thảo Luật.
Về nguyên tắc quản lý của Quỹ Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu rất rõ nguyên tắc số một là an toàn, hai là phải bền vững và ba là hiệu quả. Có ý kiến cho rằng ngoài cho phép Quỹ Bảo hiểm xã hội đầu tư vào trái phiếu chính phủ còn có thể đầu tư vào trái phiếu chính phủ bảo lãnh, để vừa tăng khả năng sinh lời của Quỹ và vừa bảo đảm an toàn.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần cần luật hóa các quy định về kế toán, kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính và hàng năm có báo cáo đến Quốc hội. Đồng thời, đề nghị rà soát quy định về căn cứ trích Quỹ.
Dần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội cho biết kinh nghiệm thế giới là mở rộng dần đối tượng nhưng cần có cơ chế hỗ trợ ban đầu để người dân thấy được lợi ích thiết thực và tham gia dần.
Đồng thời, có nhiều gói khác nhau, theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, mức đóng cũng có thể lũy tiến lên để người ta lựa chọn.
Bên cạnh đó, cũng với đó cần có những chính sách hỗ trợ nhất định, khuyến khích hộ kinh doanh, khu vực phi chính thức tham gia để mở rộng mạng lưới.
Yêu cầu là vậy nhưng thiết kế trong Luật như thế nào cũng là nội dung lớn đang rất cần sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.