Pagpag - hành trình từ thùng rác tới bàn ăn của người nghèo

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:11, 01/11/2023

Pagpag,” một món ăn được làm từ thịt và xương vụn được thu gom từ các thùng rác, sau đó hầm nhừ hoặc rán lại rồi cho thêm nước sốt.

Pagpag - hanh trinh tu thung rac toi ban an cua nguoi ngheo hinh anh 1Món pagpag của người dân nghèo ở Philippines. (Nguồn: IDN TImes)

Theo EFE, với việc giá thực phẩm không ngừng gia tăng, những người dân nghèo đang bám trụ tại thủ đô Manila của Philippines đang tiêu thụ ngày một nhiều “pagpag,” một món ăn được làm từ thịt và xương vụn được thu gom từ các thùng rác trong thành phố, sau đó hầm nhừ hoặc rán lại rồi cho thêm nước sốt.

“Mọi người ở đây đều thích đồ ăn của tôi. Tôi không nhận được lời phàn nào nào cả,” Evelyn Blasorca, một cư dân của khu phố ổ chuột mang tên Happyland, người đang bán món "pagpag" (trong tiếng Tagalog, ngôn ngữ bản địa Philippines, nó có nghĩa là “tái chế”), cho biết. Theo cô, món "pagpag" thường được khách mua để ăn cùng cơm trắng.

Happyland, khu phố ổ chuột ẩn mình giữa những cầu tàu của bến cảng Manila, là nơi cư ngụ của khoảng 120.000 người.

Họ sinh hoạt và ngủ trong những căn lều chật chội, mỏng manh được xây dựng trên những bãi rác thải, với mùi hôi thối nồng nặc trong không khí vào những ngày nắng nóng gay gắt và độ ẩm cao.

Những đường phố chật hẹp, hầu hết đều chỉ rộng chưa tới 1m, đầy những túp lều tạm bợ đươc làm từ những mảnh container đã bỏ đi. Tại đây, người dân sinh sống bằng nghề thu gom phế liệu.

Một số phân loại nhựa, một số thu gom giấy bìa, số khác lại thu gom kim loại phế liệu.

Ngoài ra, còn có một số người, như Roweno Cabuluc, làm một công việc rất đặc biệt, là “thu gom pagpag.”

Một ngày của họ bắt đầu từ sáng sớm, ghé thăm các nhà hàng và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của thành phố, tìm kiếm những thức ăn thừa của ngày hôm trước được đựng trong những chiếc túi nylon lớn.

Sau khi thu gom xong thức ăn thừa tại các nhà hàng, Roweno Cabuluc sẽ quay trở lại Happyland. Tại đó, anh tiếp tục công việc của mình là phân loại thức ăn thừa, tách những phần thịt thừa còn dính lại ở xương.

Đôi khi anh tìm được những miếng thịt gà còn nguyên vẹn mà một thực khách vô danh nào đó đã vứt bỏ. Về đến Happyland, nó trở thành những món đồ ăn quý giá và khó tìm nhất.

Sau khi phân loại thịt vụn, Cabuluc giao chúng cho Evelyn Blasorca. Cô rửa sạch thịt, luộc lại và chế biến theo hai cách, một loại được tẩm bột rán, chỗ còn lại được ướp thêm hành, rau, gia vị, nấu lại và dùng kèm với nước sốt.

Jay Carriel, một thanh niên 27 tuổi, đã có 7 năm làm nghề thu gom đồ nhựa, cho biết: “Ở Happyland, mọi người đều ăn pagpag. Có nơi nấu ngon, có nơi nấu dở, nhưng nhìn chung mọi người đều thích món ăn này.”

Do lạm phát tăng vọt, "pagpag" ngày càng trở nên phổ biến hơn, không chỉ với cư dân Happyland, mà còn đối với những người nghèo đang sinh sống ở khu vực quận Tondo xung quanh, trên bờ biển Manila, với dân số ước tính khoảng 630.000 người.

Lạm phát đã khiến giá hành tây trên thị trường Philippines tăng lên tới mức 700 peso/kg (khoảng 300.000 đồng), gấp ba lần các quốc gia có mức sống cao như Thụy Sĩ và Đan Mạch.

Trước tình hình này, những người bán "pagpag," vốn rất cần hành tây để gia tăng hương vị, phải cố gắng để có thể duy trì mức giá của mỗi khẩu phần trong khoảng từ 25 đến 30 peso (khoảng 10.000 đến 13.000 đồng).

Nhưng sự tăng giá thực phẩm cũng khiến lượng người phải tìm đến "pagpag" ngày càng nhiều hơn. Blasorca, một trong những người được hưởng lợi từ việc tăng giá thực phẩm này, cho biết: “Tôi rất vui vì ngày càng bán được nhiều pagpag hơn.”

Tuy nhiên, Ủy ban Chống nghèo Quốc gia Philippines cũng cảnh báo việc trẻ em tiêu thụ "pagpag" liên tục có thể khiến chúng bị chậm phát triển, suy dinh dưỡng, cùng với nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như viêm gan A, tiêu chảy và dịch tả.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy hàng triệu người Philippines vào cảnh nghèo đói. Ngày 15/8/2022, Cơ quan thống kê Philippines (PSA) thông báo khoảng 2,3 triệu người dân nước này đã rơi vào cảnh nghèo đói trong khoảng thời gian từ năm 2018-2021, nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo PSA, số người sống trong cảnh nghèo đói năm 2021 đã tăng lên tổng cộng gần 20 triệu người, tương đương 18,1% dân số Philippines, cao hơn so với mức 16,7% vào năm 2018 và vượt xa mục tiêu của chính phủ là 15,5-17,5%.

Tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Arsenio Balisacan đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo xuống 9% vào năm 2028, năm cuối nhiệm kỳ kéo dài 6 năm của ông Marcos.

Đây được đánh giá là mục tiêu trong tầm tay mặc dù lạm phát của nước này đang tăng cao./.

(Vietnam+)