Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Nguyễn Trường Giang: Hệ thống pháp luật khó thực hiện do còn bất cập, vướng mắc

Đức Diệu 01/11/2023 11:55

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, hệ thống pháp luật của chúng ta còn bất cập do ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 1/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

1_11-anh-toan-canh-hoi-truong(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 1/11/2023, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Lệ Quyên)

Tham gia tranh luận về một số ý kiến cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập, chồng chéo và khó thực hiện, đại biểu Nguyễn Trường Giang Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng: hầu hết các các nội dung qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.

Viện dẫn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết: thực hiện ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tại các kỳ họp trước đây, Nghị quyết 101 của Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo tại Kỳ họp này.

1_11-dai-bieu-nguyen-truong-giang-tranh-luan(1).jpg
ĐBQH Nguyễn Trường Giang cho rằng: gần 70 % nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật và thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình, tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... (Ảnh: Lệ Quyên)

Để bảo đảm tính chủ động, đánh giá khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, tổ chức điều kiện rà soát độc lập và yêu cầu 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân có báo cáo. Các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách đều có ý kiến đánh giá độc lập về kết quả rà soát của Chính phủ cũng như của các địa phương. Với mục tiêu, qua rà soát cần nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và những vấn đề vướng mắc gây khó khăn, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung....

Với nguyên tắc, việc rà soát, đánh giá, nhận định các quy định có chồng chéo, mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập phải thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, tránh phiến diện. Việc rà soát phải bảo đảm khách quan, tránh cả hai thái cực. Mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho thể chế pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hoặc tuyệt đối hóa pháp luật đều tốt mà bất cập, vướng mắc là do công tác tổ chức thực hiện. Việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung phải là thực sự cần thiết và xác đáng.

Qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Hầu hết các các nội dung còn lại qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu rõ, với gần 70 % nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật và thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình, tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.. Trong các nội dung đó, các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo và vướng mắc, bất cập có một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản cơ quan Nhà nước cấp trên.

Tuy nhiên, cũng có một số nội dung nhận định là chưa chính xác, một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và một số nội dung, một số nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng thực chất là vấn đề quan điểm chính sách.

Đức Diệu