"Đầu tàu" của nông nghiệp Đắk Glong
Kinh tế tập thể đang là “đầu tàu” đưa ngành Nông nghiệp huyện Đắk Glong (Đắk Nông) phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đắk Glong có gần 33.000 ha đất sản xuất nông nghiệp hằng năm. Sản xuất nông nghiệp đang mang lại nguồn thu nhập chính cho hầu hết người dân trên địa bàn huyện. Theo ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Glong, sản xuất nông nghiệp của huyện đang ở quy nhỏ. Trình độ canh tác của người dân chưa cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn chậm.
Vì thế, huyện Đắk Glong đã lấy kinh tế tập thể để quy tụ, tập hợp người dân lại cùng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đạt chuẩn. Cụ thể, các hộ cùng sản xuất một loại cây trồng ở quy mô lớn. Việc bà con liên kết lại với nhau giúp chính quyền địa phương, ngành chức năng thuận lợi hơn trong hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ và kết nối đầu ra…
Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Đắk Glong đạt khoảng 70 triệu đồng/1 ha. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của huyện đạt 39,25 triệu đồng/người/năm.
HTX Nông nghiệp Thịnh Phát (Đắk Glong) được thành lập năm 2019. Hiện nay, HTX có trên 200 xã viên và thành viên liên kết. Trong đó, có gần 100 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. HTX đã hình thành vùng nguyên liệu hơn 550 ha cà phê; 130 ha hồ tiêu; 100 ha đất rau, dược liệu, cây ăn quả. HTX đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với rau củ quả; 4C đối với cà phê.
Bên cạnh đó, HTX đã kết nối tiêu thụ cải thảo ổn định, kết nối bán cà phê nhân gần 100 tấn mỗi năm. HTX cũng chế biến sâu cà phê honey, tạo ra sản phẩm cà phê bột chất lượng cao với khoảng 1 tấn/năm. Bà Nguyễn Thị Toản, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Thịnh Phát cho biết, HTX đã quy tụ người dân trên địa bàn sản xuất nông nghiệp bền vừng. HTX được chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ và kết nối tiêu thụ…
Tương tự, HTX Dano Farm (Đắk Glong) đã liên kết với các hộ nông dân sản xuất 110 ha cà phê. Sau khi hình thành vùng nguyên liệu, HTX đã đầu tư máy móc sơ chế, chế biến cà phê bột bán ra thị trường. Năm 2019, huyện Đắk Glong hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi giá trị cà phê, xây dựng chứng nhận UTZ trên 110 ha.
Bà Đàm Thị Tình, thành viên HTX Dano Fram cho biết, sau khi được tập huấn theo cách "cầm tay chỉ việc", bà có thể chủ động sản xuất cà phê theo quy trình hữu cơ. Bà có thể tự ủ phân để chăm sóc cây trồng. Mỗi năm, 2 ha cà phê của gia đình đạt từ 5 - 6 cà phê tấn nhân. Đây là nguồn thu nhập giúp gia đình bà ổn định cuộc sống.
Huyện Đắk Glong có 16 HTX nông nghiệp, gần 600 thành viên. Doanh thu trung bình của các HTX đạt 7,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận trung bình 1,6 tỷ đồng/năm. Huyện có khoảng 650 lao động làm việc thường xuyên tại các HTX, với thu nhập bình quân 75 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Glong cho biết, các HTX đã tập hợp người dân lại với nhau, hình thành vùng chuyên canh. HTX áp dụng quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch hiệu quả và bền vững. Các HTX đang là lực lượng tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và kết nối tiêu thu nông sản của địa phương.