Lâm Đồng: Đẩy mạnh công tác trồng và giữ rừng theo hướng bền vững
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 08:47, 31/10/2023
Những chuyển biến tích cực trong công cuộc giữ rừng xanh
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, trong 10 tháng đầu năm 2023 tổng số vụ vi phạm liên quan tới rừng trên địa bàn toàn tỉnh là 184 vụ. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ vi phạm giảm 32 vụ, giảm 17%, diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 11,6 ha, giảm 47%.
Đồng thời, trong 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh cũng đã kịp thời phát hiện 20 vụ việc phức tạp, nổi cộm, trong đó 12 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng cũng đã lập hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 15 vụ, tịch thu hơn 730 m3 gỗ tròn/xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 2,3 tỷ đồng. Đặc biệt, có nhiều địa phương của tỉnh đã và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.
Điển hình theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng từ đầu tháng 10 tới nay, huyện không chỉ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các Ban quản lý rừng trên địa bàn còn phối hợp với UBND cấp xã giải tỏa được trên 33.000 m2 cây trồng trái phép; giải tỏa cây trồng trên đất rừng bị lấn chiếm trái phép với tổng diện tích lên tới gần 400.000 m2; tổng số lượng cây xanh đã trồng là trên 620.000/1.119.000 cây, đạt 56% kế hoạch.
Hay tại huyện Đạ Tẻh, ông Trần Lưu Dũng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tăng cường công tác thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đạt được những kết quả nhất định trong việc hạn chế những trọng điểm về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Phát hiện 5 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện, giảm 13 vụ tương đương với hơn 72,00%; diện tích rừng thiệt hại là không có; khối lượng lâm sản thiệt hại là gần 0,900 m3, giảm trên 7,600 m3 so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra; UBND tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký thực hiện trồng 50 triệu cây xanh, hưởng ứng Chương trình Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, theo Kế hoạch số 2209, toàn tỉnh thực hiện kế hoạch trồng được trên 12,00 triệu cây; lũy kế, đến nay ghi nhận toàn tỉnh đã trồng được trên 2,6 triệu cây, đạt trên 21,00 % kế hoạch năm 2023. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trồng gần 16,0 triệu cây, đạt trên 33,0% so với kế hoạch.
Hướng đi bên vững trong bảo vệ màu xanh cao nguyên
Cùng với những kết quả đạt được trên thực tế công tác bảo vệ rừng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa đạt được nhiều hiệu quả như mong muốn. Theo báo cáo của UBND tỉnh tổng số vụ vi phạm về lâm nghiệp còn cao, lên tới trên 170 vụ, gây thiệt hại trên 13 ha, thiệt hại hơn 1.200 m3 gỗ tròn các loại.
Nguyên nhân được cho là chế tài xử lý các vụ vi phạm chưa đủ mạnh, chưa có chế tài cụ thể; cơ chế, chính sách, quy định trong công tác tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đang có những vướng mắc nhất định. Mặt khác, nhiều địa phương thiếu nhân lực làm công tác quản lý bảo vệ rừng; nhiều đối tượng có những thủ đoạn táo tợn, tìm cách “gặm nhấm”, lấn chiếm đất rừng làm đất ở, đất sản xuất;...
Nắm được những bất cập hiện có, cũng như hướng đến việc thực hiện tốt, bền vững công tác bảo vệ rừng, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể, chỉ đạo sát sao. Đặc biệt phải kể đến việc tỉnh đang hướng đến việc bán sự phát thải khí CO2 hay còn được biết đến là Tín chỉ carbon, một xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Lâm Đồng là một trong những tỉnh thành nằm trong Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ do Bộ trưởng Bộ NN & PTNT và Giám đốc Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent, tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) ký Ý định thư về giảm phát thải tại COP26 năm 2021.
Trong đó, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2026 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn CO2. Như vậy, Lâm Đồng với diện tích rừng đạt gần 540.000 ha, tỷ lệ che phủ đạt 55%,địa phương được đánh giá là có nguồn hấp thụ và tích lũy carbon cao để hình thành khối lượng lớn tín chỉ carbon có thể mua bán, tạo ra tiềm năng kinh tế cho doanh nghiệp, người dân nói riêng và ngành lâm nghiệp tỉnh nói chung trong tương lai.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận vừa qua Sở NN & PTNT tỉnh cho biết đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án trồng rừng sau giải tỏa giai đoạn 2023 - 2025 trên tổng diện tích trên 420,00 ha, với tổng mức đầu tư là trên 63,00 tỷ đồng. Đồng thời, để thực hiện đảm bảo kế hoạch trồng cây đã được UBND tỉnh giao, Sở cũng yêu cầu các địa phương cần phải tập trung rà soát quỹ đất, tích cực ra quân trồng cây; tập trung trồng cây trên diện tích khoảng hơn 58.000 ha đất được điều chỉnh đưa ra ngoài lâm nghiệp trên toàn tỉnh.
“Các sở, ngành địa phương cần tiếp tục chủ động tham mưu với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ, trách nhiệm hơn. Đặc biệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và các đề án trọng tâm của ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp;…” Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Tín chỉ carbon rừng Việt Nam trị giá hàng triệu USD
Mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon rừng. Nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ (1 tấn CO2 tương đương 1 tín chỉ carbon) thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đây là kết quả tính toán của các cơ quan chức năng.
Theo PGS-TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, tiềm năng CO2 rừng ở Việt Nam là rất lớn, có thể đem bán trên thị trường. Trong tương lai gần, việc bán tín chỉ CO2 rừng sẽ sôi động. Các tổ chức quốc tế như Emegent, SK, Quỹ Khí hậu xanh (GCF)... đã khởi động chương trình đầu tư, môi giới, mua bán CO2 rừng.
Để có thể phát triển thị trường CO2 rừng, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý; xây dựng mới các tiêu chuẩn Việt Nam về carbon theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, làm cơ sở cho việc đo tính, giám sát, thẩm định lượng giảm phát thải và tăng hấp thụ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Mặt khác, các địa phương và chủ rừng, các thành phần kinh tế cần tích cực hưởng ứng “Chương trình lâm nghiệp tăng trưởng xanh”, “Kế hoạch hành động Glasgow” mà Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo thực hiện, nhân rộng.
An Hữu