Cư Jút nỗ lực ngăn chặn dịch tả heo châu Phi
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi. Huyện đã triển khai các biện pháp chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Phát hiện 6 ổ dịch tả heo châu Phi
Nhận được tin báo của người dân, UBND thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút đã tiến hành kiểm tra cơ sở nuôi heo của ông Đỗ Xuân Hùng, ở bon U3, thị trấn Ea T’ling. Cơ sở nuôi được ông Đỗ Xuân Hùng thuê lại của một hộ gia đình khác để nuôi heo. Ngày 16/10, ông Đỗ Xuân Hùng mua đàn heo 60 con, với trọng lượng 1.234kg để về thả và nuôi trong chuồng. Sau vài ngày, đàn heo có dấu hiệu bỏ ăn và chết. Ông Đỗ Xuân Hùng cho biết: “Tôi mua heo ở xã Ea Pô được 6 ngày, 4 ngày đầu heo ăn uống bình thường, sau đó heo bỏ ăn và bị chết. Gia đình cũng muốn mua về để chăn nuôi nhưng đâu có biết heo bệnh, giờ cũng xót lắm”.
Mặc dù heo có dấu hiệu bệnh chết nhưng ông Hùng không khai báo cho chính quyền địa phương. Nhận được tin báo của người dân, UBND thị trấn Ea T’ling đã thành lập đoàn công tác đến tiến hành lập biên bản và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật (BCĐ) huyện Cư Jút , tính từ ngày 21/7 đến 26/10, huyện đã phát hiện 6 ổ dịch, với 141 con heo mắc bệnh, với trọng lượng tiêu hủy là trên 4.100kg, tập trung ở thị trấn Ea T’ling và xã Cư K’nia.
Để chủ động ngăn chặn dịch tả heo châu Phi phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, ngày 26/10, UBND huyện Cư Jút đã họp BCĐ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật, nhất là dịch tả heo châu Phi. Đồng thời, địa phương chỉ đạo Công an huyện có biện pháp xử lý nghiêm đối với những hộ dân có heo bệnh mà không thông báo cho chính quyền địa phương để xử lý ổ dịch. Huyện coi đây là một loại tội phạm nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến những người chăn nuôi xung quanh khu vực.
UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương đã xảy ra dịch trực tiếp đôn đốc và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý dứt điểm, triệt để ổ dịch, áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn heo bệnh.
Theo BCĐ huyện Cư Jút, dịch tả heo châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng thì cũng cần ý thức của người dân, nhất là những người chăn nuôi. Người dân cần thường xuyên chủ động vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; phun thuốc sát trùng... Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ dịch bệnh trên đàn heo, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Kiểm soát dịch bệnh động vật
Theo BCĐ huyện Cư Jút, từ nay đến cuối năm, thời tiết chuẩn bị giao mùa, bước sang mùa khô. Đây là thời điểm thích hợp cho các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan. Người dân tăng đàn để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán tự phát. Nhiều hộ không khai báo đầy đủ kịp thời nên khó kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Mục tiêu của huyện không để các loại dịch bệnh động vật xảy ra trên địa bàn huyện. Nếu xảy ra thì nhanh chóng bao vây, dập tắt ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng, giảm thiệt hại mức thấp nhất cho người chăn nuôi. Do đó, từ nay tới cuối năm, huyện yêu cầu các trang trại, hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo hình thức xã hội hóa. Khi phát hiện ổ dịch mới sẽ chỉ đạo các phòng, ban đơn vị liên quan nhanh chóng áp dụng các biện pháp hữu hiệu để khống chế, dập tắt ổ dịch không để lây lan.
UBND các xã, thị trấn phối hợp với các phòng, ban ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến từng hộ gia đình để phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý dịch bệnh. Đối với các trường hợp không chấp hành, vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện công tác kiểm soát giết mổ. Địa phương nào thực hiện không tốt, không triển khai, nếu dịch bệnh xảy ra phải chịu trách nhiệm…