Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Người lao động là tài sản vô giá của doanh nghiệp
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 22:05, 29/10/2023
Tối 29/10, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và phát biểu tại Chương trình Lễ Vinh danh "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 2023".
Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động
Bày tỏ vui mừng tham dự Lễ Vinh danh những doanh nghiệp có nhiều nỗ lực chăm lo, bảo vệ người lao động trong "Chương trình Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" năm 2023, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương 64 doanh nghiệp được tôn vinh ngày hôm nay, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và người lao động, vì sự phát triển của cộng đồng, của cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đây là những doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực, ở mọi vùng miền, địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì và giữ được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19, đồng thời thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; kết hợp hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với quyền lợi của người lao động, tạo ra giá trị tích cực cho xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Sự kiện hôm nay diễn ra trong thời điểm hết sức ý nghĩa khi Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 đang được gấp rút hoàn thành, tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII vào cuối năm nay, mở ra thời kỳ phát triển trong bối cảnh mới, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần tích cực trong việc thực hiện thành công Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Chăm lo, bảo vệ người lao động giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Trong quá trình trưởng thành, phát triển của mỗi doanh nghiệp, người lao động chính là nguồn lực sản xuất, là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển chung của doanh nghiệp. Người lao động cũng là một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Do đó, việc chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ cũng chính là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để đạt được mối quan hệ hài hòa, ổn định, doanh nghiệp cần phải coi mỗi người lao động là tài sản vô giá của mình và mỗi người lao động cũng đều nhận thức đầy đủ trách nhiệm của bản thân với sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn đại dịch COVID-19 xảy ra, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ liên quan tới an sinh xã hội, lao động, việc làm đã góp phần ổn định tâm lý người lao động, giữ chân người lao động tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp trong nhiều thời điểm khó khăn. Đồng thời, các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững cũng được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên và hết sức quan tâm.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động
Theo đồng chí Lê Minh Khái, ngày 10/10/2023, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo cần phải xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động; định kỳ tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp, phối hợp phát triển doanh nghiệp, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, nhờ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, sự hỗ trợ tích cực của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp thực sự đã trở thành lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều lĩnh vực; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 910 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 31 nghìn hợp tác xã và 5,5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp hơn 60% GDP cho đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các hoạt động vì người lao động, góp phần quan trọng trong việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân và người lao động.
Chính phủ tiếp tục nhất quán quan điểm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thời gian tới, kinh tế thế giới và tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới. Ở trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn là thuận lợi.
Trong bối cảnh đó, để xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường và thịnh vượng, các doanh nghiệp hơn lúc nào hết không chỉ cần nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt tái cấu trúc hướng tới sự phát triển bền vững mà còn cần phải tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm xã hội nhất là với người lao động và kiến tạo môi trường sống, làm việc ngày càng tốt hơn.
Đồng chí Lê Minh Khái khẳng định, thời gian tới, Chính phủ, tập thể lãnh đạo Chính phủ tiếp tục nhất quán quan điểm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đây là mục tiêu lớn nhất và xuyên suốt chúng ta đã đạt được và sẽ tiếp tục phải giữ vững trong các năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới.
Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công nhân lao động.
Tăng cường các hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật để người lao động tuân thủ và hiểu biết pháp luật trong lao động, hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với những người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam
Về phía các doanh nghiệp, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị:Cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu. Đẩy mạnh tìm hiểu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về phía người lao động, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị: Chủ động học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu môi trường lao động, môi trường làm việc trong tình hình mới.
Hỗ trợ, đồng hành cùng chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp để tạo ra nhiều giá trị kinh tế, duy trì mối quan hệ làm việc tích cực, đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh.
Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chương trình tôn vinh Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động là một trong những hành động cụ thể nhằm đưa các Nghị quyết số 02- NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đi vào cuộc sống. Chương trình Tôn vinh Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động đã thực sự trở thành sự kiện có ảnh hưởng tích cực, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng chí Lê Minh Khái mong muốn và tin tưởng chương trình sẽ tiếp tục được lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp để tạo ra những câu chuyện truyền cảm hứng, những tấm gương điển hình trong quá trình dựng xây đất nước thời kỳ mới, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước đến năm 2030 sẽ là nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Doanh nghiệp vì người lao động, người lao động sẽ hết mình vì sự phát triển của doanh nghiệp
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam, Chương trình "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc để biểu dương, tôn vinh những doanh nghiệp tiêu biểu trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tích cực cải thiện môi trường làm việc của người lao động, quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, hướng tới mục tiêu doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, bền vững, người lao động ngày càng tiến bộ, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đây là hoạt động thường niên do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, các đơn vị phối hợp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, Báo Lao động là đơn vị thường trực. Tính đến năm 2022, Chương trình đã xếp hạng 447 lượt doanh nghiệp, tặng Giải thưởng "Doanh nghiệp tiểu biểu vì người lao động" 23 doanh nghiệp; 20 doanh nghiệp được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 176 doanh nghiệp được tặng Bằng khen của các cơ quan đồng tổ chức.
Phát huy những kết quả đạt được, năm nay trong bối cảnh cả nước và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực vượt mọi khó khăn, tiếp tục phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế giai đoạn hậu COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan phối hợp đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai từ sớm việc tổ chức chương trình.
Từ hồ sơ của hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham gia, qua nhiều vòng xét chọn khoa học, chặt chẽ, khách quan, Hội đồng xét chọn đã đề xuất và được Ban Chỉ đạo Chương trình thống nhất vinh danh 64 doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong phong trào "Doanh nghiệp vì Người lao động". Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen cho 30 doanh nghiệp.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đang phải vật lộn, chống đỡ với muôn vàn khó khăn, điều vui mừng là phần lớn các doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập, không ngừng nâng cao đời sống của người lao động.
Các doanh nghiệp được vinh danh hôm nay là những doanh nghiệp điển hình trong các doanh nghiệp đáng biểu dương đó. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thêm nguồn công việc, thị trường ngoài những công việc, thị trường truyền thống, đã đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để họ có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu mới về công việc.
Đó là những doanh nghiệp tạm gác lại mục tiêu lợi nhuận để dành nguồn lực bổ sung phúc lợi, chăm lo đặc biệt cho người lao động sau đại dịch COVID-19; doanh nghiệp có chính sách đặc biệt cho con công nhân lao động không may bị thiệt mạng do đại dịch gây ra; doanh nghiệp đã đóng khoản kinh phí bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm người lao động phải nộp; doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền chăm nuôi con nhỏ cho người lao động; doanh nghiệp đã bền bỉ cải thiện môi trường làm việc, tích cực trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội,...
Đây là sự cố gắng rất đáng trân trọng trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang gặp quá nhiều những khó khăn, số lượng đơn hàng giảm sút, một bộ phận người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp khó khăn phải giải thể, phá sản.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh nỗ lực của các doanh nghiệp được vinh doanh là doanh nghiệp vì người lao động là sự cộng đồng trách nhiệm cùng với tổ chức Công đoàn chăm lo, thúc đẩy người lao động làm việc hăng say với năng suất cao, chất lượng tốt vì sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước, vì cuộc sống ngày càng tốt hơn của người lao động.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp vì người lao động. Chắc chắn người lao động cả nước sẽ hết mình vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì sự phát triển của đất nước, để chúng ta cùng chung tay xây dựng đất nước ta phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trần Mạnh