Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Nguyễn Trường Giang: Đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ các ý kiến của Ủy ban Kinh tế

Đức Diệu 27/10/2023 21:58

Tiếp tục chương trình, chiều 27/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về các tờ trình của Chính phủ.

toan-canh-thao-luan-to-27(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 27/10

Liên quan đến hai tờ trình: Điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị Chính phủ giải trình rõ nhiều nội dung liên quan.

Không thể kéo dài dự toán liên quan Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

Đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo Tờ trình của Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giải ngân 2510.000 tỷ đồng do Kho bạc nhà nước không thanh toán. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng: theo quy định của Luật Đầu tư công, đến ngày 31/1/2022, nếu như tiêu không hết nguồn vốn này thì phải xuất toán. Vì đây là nguồn vốn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định kéo dài thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2022. Như vậy, theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công thì nguồn vốn này thuộc giai đoạn đầu tư trước đó. Chính vì thế, Kho bạc nhà nước không thanh toán cho khoản này. Mà theo quy định của Luật Ngân sách, khoản này đã bị hủy dự toán và thu hồi.

truong-giang-27.3(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Chúng ta không tạo ra hệ thống pháp luật tiếp theo song song với hệ thống pháp luật hiện nay

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: “Vấn đề ở đây không phải kéo dài hay không, mà theo quy định của Hiến pháp, nếu trong trường hợp Quốc hội quy định kéo dài thì tất cả mọi khoản thu, chi đều phải có dự toán. Đến 31/12/2022, dự toán này đã được kéo dài một lần theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đã bị hủy dự toán, thu hồi nguồn này…”.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, nếu thực sự cần thiết, trong dự toán giai đoạn tiếp theo, Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để đưa vào dự toán bổ sung khoản 2510.000 tỷ đồng chứ không thể kéo dài theo Tờ trình của Chính phủ vì nguồn này đã không còn dự toán trong giai đoạn trước. Bởi vì nó còn liên quan đến khoản cân đối thu, chi của giai đoạn đầu tư công, nợ công. Vì vậy, tất cả các nội dung đó phải nằm trong dự toán của giai đoạn tiếp theo.

Dự án đặc thù trước hết phải cụ thể, rõ ràng

Liên quan Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ do Chính phủ trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: “Thường Vụ Quốc hội đã quyết định các dự án đặc thù trước hết phải chính xác, đó là địa chỉ phải rõ ràng, thời gian phải cụ thể, tức là thí điểm trong khoảng thời gian bao lâu”.

“Thực tế, có những dự án chưa có chủ trương đầu tư thì làm sao biết được địa chỉ rõ ràng. Có những dự án mới chỉ là ý tưởng ban đầu, nghiên cứu tiền khả thi. Thứ hai, ngoài những dự án Chính phủ đề xuất trong danh mục, có những dự án trong thời gian Quốc hội không tổ chức họp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết. Như thế này lại càng không rõ ràng”, Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, khi chúng ta xây dựng các chính sách, cần quan tâm hơn đến vấn đề đánh giá tác động chính sách đó sau khi thực thi. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mỗi một chính sách phải đánh giá tác động. Thế nhưng, nhiều chính sách chúng ta đánh giá tác động rất kém nên không khả thi.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang viện dẫn: Khi thực hiện Quyết định 43 về cơ chế đặc thù cho Đường cao tốc phía Đông. Khi trình Quốc hội chủ trương đầu tư đoạn đường này, đại biểu Quốc hội cũng nêu rất nhiều vấn đề liên quan đến vật liệu xây dựng con đường này. Đơn vị chức năng khẳng định không vấn đề gì cả. Nhưng đến khi triển khai lại vướng. Lúc đó, bắt đầu quay sang báo cáo Quốc hội để quyết định cơ chế đặc thù. Do đó, ở đây, về cái chung, đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là đánh giá tác động và dự báo. Thực trạng thời gian qua, các văn bản trình Quốc hội chủ trương đầu tư xong lại điều chỉnh cơ chế chính sách đặc thù.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, đối với những dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, khi đó Quốc hội mới quyết định. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng ta thấy có vấn đề gì, dự án nào cần quyết định chính sách đặc thù mới báo cáo Quốc hội. Chúng ta không tạo ra hệ thống pháp luật tiếp theo song song với hệ thống pháp luật hiện nay.

Vì những lý do trên, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ các ý kiến của Ủy ban Kinh tế đã nêu.

Đức Diệu