Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông thảo luận dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đức Diệu 27/10/2023 15:37

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 27/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

27_10-toan-canh(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng ngày 27/10 (Ảnh: Lệ Quyên)

Tại phiên thảo luận, ngoài cơ bản tán thành về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa trước khi trình Kỳ họp, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về dự án Luật này.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý mang tính chiều sâu, bám sát thực tiễn của cơ quan soạn thảo tại dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này. Có thể nói lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là tai, mắt, là cánh tay nối dài của Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở; tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

27_10-dai-bieu-duong-khac-mai(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị đơn vị soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định về quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Ảnh: Lệ Quyên)

Thời gian qua, sau khi bố trí Công an chính quy về xã đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, tình hình an ninh, trật tự có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn so với trước. Tuy nhiên vẫn chưa đủ nắm bắt, trấn áp các thế lực thù địch như diễn biến vụ việc vừa qua tại tỉnh Đắk Lắk. Đòi hỏi phải gấp rút kiện toàn các quy định, cơ chế thống nhất để bảo đảm đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Về các nội dung cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị đơn vị soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định về quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định tại Điều 1 dự thảo Luật. Từ đó, cũng cần nghiên cứu bổ sung một điều luật quy định cụ thể về các quyền hạn này. Bên cạnh đó, việc bố trí, sắp xếp số lượng thành viên tham gia vào lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở mỗi tổ tại khu vực đô thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, khu vực có địa hình bị chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị để phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số phải có quy định cụ thể, tránh trường hợp mỗi địa phương quy định số lượng thành viên ở mỗi tổ khác nhau, không đồng đều, không thống nhất, dàn trải và ảnh hưởng đến nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho các đối tượng tại mỗi địa phương.

27_10-pctqh-tran-quang-phuong-dieu-hanh-noi-dung-phien-hop(1).jpg
Thường vụ Quốc hội điều hành phiên thảo luận sáng 27/10 (Ảnh: Lệ Quyên)

Tại Điều 8 quy định về “Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đề nghị bổ sung thêm nội dung: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận trong việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố về nội dung an ninh trật tự ở cơ sở.

Điều 13 quy định đối với độ tuổi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đối với nam và nữ để bảo đảm tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe phục vụ công việc (đề xuất: nam không quá 62 tuổi, nữ không quá 60 tuổi cho phù hợp, thống nhất với Bộ luật Lao động).

Tại khoản 1, Điều 20 quy định “Bố trí địa điểm làm việc, nơi làm việc và trang bị đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”, đề nghị bỏ nội dung “… hoặc bố trí chung tại địa điểm, nơi làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã…”, vì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải thường xuyên trực ở cơ sở, bám sát cơ sở.

Về nhiệm vụ chi của địa phương, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cân nhắc về việc mua sắm, trang bị, sửa chữa thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ, mua sắm trang phục, phù hiệu, biển hiệu, huy hiệu, vì nếu giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định như khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật thì một số địa phương khó đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ chi này. Vì hiện nay nhiều địa phương có nguồn thu ngân sách hàng năm thấp, còn phụ thuộc vào ngân sách hỗ trợ của Trung ương, trong khi đó, địa phương còn thực hiện nhiều nguồn chi trả đối với các nhiệm vụ khác. Mặt khác cần thống nhất mức hỗ trợ, mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tư ở cơ sở cho thống nhất trong cả nước, tránh trường hợp mỗi địa phương thực hiện một mức chi, hỗ trợ không đồng đều, sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, trách nhiệm của các tổ viên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đức Diệu