Văn hóa

Hiện thực hóa giá trị CVĐCTC UNESCO Đắk Nông để phát triển du lịch

Mỹ Hằng 27/10/2023 11:52

Các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa của Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông đã và đang được hiện thực hóa để phát triển du lịch.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông” là nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể hóa nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 18 về phát triển du lịch và du lịch gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025”,

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban Kế hoạch số 881 tổ chức thực hiện, trong đó, phân công cụ thể các nhiệm vụ đối với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các địa phương, đơn vị liên quan chủ động tổ chức xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình để thực hiện.

img_0965(1).jpeg
Thác Đ'ray Sáp - Gia Long (Krông Nô) - điểm di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã, đang được khai thác phát triển du lịch

Từ tỉnh đến cơ sở, các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả. Ngoài tuyên truyền trực quan, tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Đài PTTH Đắk Nông, Báo Đắk Nông, hệ thống truyền thanh cơ sở. Địa phương phát huy hiệu quả những lợi thế của các trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… để đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân và bạn bè, du khách, trong và ngoài nước. Ngoài ra một số hoạt động xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế cũng được Đắk Nông tăng cường…

Những phác thảo ngày càng rõ nét

Để phát huy các giá trị tài nguyên đưa vào phát triển du lịch, Đắk Nông đã rà soát, đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đưa vào quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch sử dụng đất 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Địa phương ưu tiên lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Khu đô thị du lịch sinh thái Đắk R’tíh, Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung (TP. Gia Nghĩa); Khu du lịch dọc sông Sêrêpốk (Cư Jút)…

Tỉnh đã xây dựng được 3 tuyến du lịch với 41 điểm di sản với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu” gồm các tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, “Thanh âm từ Trái đất”… Đây là nền tảng để Đắk Nông phát triển du lịch một cách bền vững.

z4806050217224_aaced4d529314fa3fc9d441da7a60fdf.jpg
Đoàn chuyên gia tái thẩm định danh hiệu CVĐCTC UNESCO chụp hình lưu niệm tại Đồi 722 Đắk Sắk (Đắk Mil)

Các nguồn vốn ngân sách được tỉnh ưu tiên để đầu tư cơ sở hạ tầng các điểm di sản thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông như bảng thông tin, bãi đỗ xe, bảng chỉ dẫn tại các điểm di sản; nhà chờ, đường giao thông tại một số điểm di sản trọng điểm. Cụ thể, Đắk Nông đã đầu tư xây dựng mới tuyến đường trong hệ thống hang động núi lửa kết nối với đường nhựa vào thác Gia Long với hang C6.1 (huyện Krông Nô). Tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng danh mục các loại hình di sản và đề xuất phương án khoanh vùng bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023. Đề án này là cơ sở để tiến hành khoanh vùng và đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trong thời gian tới.

Hiện nay, Đắk Nông đang tiếp tục đầu tư kinh phí mở rộng điểm di sản “Thung lũng Mặt trời mọc” (điểm số 9) và Núi lửa Nâm Kar (điểm số 7); tuyến đường giao thông từ thôn Tân Lập đi vào khu sản xuất suối Đắk Rí, xã Nâm Nung đi qua Khu di tích lịch sử Hội trường Huyện ủy Đắk Mil thuộc Khu di tích B4- Liên tỉnh IV Nâm Nung (Krông Nô); đầu tư cải tạo nâng cấp đường đi xã Buôn Choáh (Krông Nô) kết nối với quốc lộ 28; Trung tâm thông tin CVĐC huyện Đắk Song, Krông Nô, Cư Jút.

Tín hiệu tích cực từ thực tiễn

Mặc dù bị ảnh hưởng khá nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã có sự khởi sắc. Lượt khách và doanh thu tăng đáng kể. Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đạt 512.500 lượt, tăng 306,4% so với năm 2021; trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 2.000 lượt, doanh thu du lịch khoảng 65 tỷ đồng, tăng 240,3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Đắk Nông tăng 69,2%, doanh thu tăng 201,9% so với cùng kỳ. Một số khu, điểm du lịch trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được đầu tư nâng cấp theo hướng đa dạng hóa dịch vụ như lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, tổ chức trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, tham quan vườn thú, thể thao mạo hiểm.

z4806051270528_b3e4a74f7d1172af962d7791a634e0f6.jpg
Cánh đồng cảnh quan dưới chân núi lửa thuộc xã Nâm N'đir (Krông Nô)

Tuy nhiên, khó khăn nhất của Đắk Nông trong quá trình thực hiện Chương trình 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là chưa thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực mạnh để đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, thế mạnh của tỉnh. Đắk Nông chưa thu hút nhiều nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào các điểm di sản thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Một số địa phương chưa chủ động, quan tâm đến công tác phát triển du lịch, chưa quan tâm bố trí quỹ đất, khoanh vùng tài nguyên để đề xuất đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư du lịch…

Để tiếp tục phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch của vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, địa phương rà soát, đánh giá, bố trí quỹ đất gắn với tài nguyên du lịch nổi bật để kiến nghị cấp thẩm quyền đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Từ đó, huy động, ưu tiên nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa để đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trọng tâm là các khu, điểm du lịch, điểm đến trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Tỉnh khoanh vùng, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển các điểm di sản thuộc 3 tuyến du lịch của CVĐC để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm đặc trưng, phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu, gắn với tạo thương hiệu khác biệt cho du lịch địa phương để thu hút nhà đầu tư, khách du lịch.

Địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án số 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Mỹ Hằng