Đời sống

Chu Thị Nga - người kết nối "linh hồn hiện vật" ở các điểm đến du lịch Đắk Nông

Thanh Hằng 27/10/2023 11:50

Không chỉ am hiểu về những hiện vật được trưng bày trong bảo tàng, chị Chu Thị Nga (thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Đắk Nông) còn phải luyện tập để lời kể của mình tạo được sự hứng thú, thu hút du khách tham quan.

Kết nối quá khứ với hiện tại

Chị Chu Thị Nga hiện là một trong 7 thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh Đắk Nông. Gắn bó với công việc 10 năm qua, chị Nga đã có cơ hội giới thiệu hình ảnh con người, mảnh đất Đắk Nông đến với hàng ngàn du khách. Hàng trăm lần thuyết minh, dù nội dung liên tục được lặp lại thế nhưng chị Nga vẫn giữ được đam mê với công việc mình đang làm.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp ngành Bảo tàng học, Đại học Văn hóa TP. HCM, chị Nga về công tác tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông. Sau đó, chị Nga được phân công làm thuyết minh viên tại Nhà ngục Đắk Mil (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil).

hinh-thuyet-minh-vien-1.jpg
Chị Chu Thị Nga từng có thời gian làm thuyết minh viên tại Nhà ngục Đắk Mil

“Những ngày đầu tiên đi làm, tôi cũng rất bỡ ngỡ và loay hoay với công việc. Đặc thù của nghề thuyết minh là phải nói nhiều và nói liên tục. Mỗi di tích, mỗi hiện vật lại có một câu chuyện riêng, thế nên bản thân tôi phải liên tục tìm hiểu, học hỏi để có thể làm việc hiệu quả nhất”, chị Nga nhớ lại thời gian đầu làm việc.

Theo chị Nga, Nhà ngục Đắk Mil được Thực dân Pháp xây dựng đầu năm 1940 để làm nơi giam giữ, đày ải những chiến sĩ cộng sản cốt cán, không thu phục được đang bị giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Chính tại nơi đây, Thực dân Pháp đã thực hiện chế độ giam giữ đầy khắc nghiệt, tuy nhiên với ý chí và niềm tin mãnh liệt vào cách mạng, các chiến sĩ của ta đã thành lập chi bộ đầu tiên của vùng cao nguyên M’nông.

Hiểu rằng di tích Nhà ngục Đắk Mil có ý nghĩa lịch sử quan trọng thế nên chị Nga đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu các tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng. Bởi nữ thuyết minh viên cho rằng, lịch sử cần phải chính xác và trách nhiệm của thuyết minh viên là kể lại chính xác những câu chuyện lịch sử ấy.

hinh-thuyet-minh-vien-5(1).jpg
Để có dữ liệu cho lời kể của mình, chị Nga phải tìm gặp các nhân chứng lịch sử

“Rất nhiều chi tiết, câu chuyện không có trong tài liệu, sách vở mà được chúng tôi thu thập, ghi chép lại được khi gặp nhân chứng lịch sử. Cũng vì thế, chúng tôi như một cầu nối, thông qua lời kể của mình để nối thế hệ đi trước với thế hệ hiện tại”, chị Nga chia sẻ về công việc mình đang làm.

Hơn 2 năm gắn bó với nơi này, những gì từng diễn ra ở di tích Nhà ngục Đắk Mil đã trở thành những câu chuyện nằm lòng. Từng mẩu chuyện xúc động, dù là lớn hay nhỏ đều được chị Nga kể lại một cách nguyên vẹn, đầy cảm xúc, truyền cho người nghe một cách chân thành nhất.

Góp phần xây dựng hình ảnh Đắk Nông

Tháng 8/2019, Nhà triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông chính thức đi vào hoạt động. Chị Chu Thị Nga là một trong số những du khách đầu tiên được trải nghiệm bảo tàng “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Cũng sau ngày đó, chị Nga trở thành thuyết minh viên tại nhà triển lãm này.

Nữ thuyết minh viên kể: “Thời điểm Nhà triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông vận hành, chúng tôi rất bất ngờ và thích thú bởi mỗi một hiện vật, một nhạc cụ hoặc một ánh sáng đều có âm thanh. Cũng nhờ những âm thanh đặc biệt đó đã mang lại cảm xúc để tôi thực hiện tốt các lần thuyết minh của mình mỗi khi có du khách”.

hinh-thuyet-minh-vien-2(1).jpg
Chị Chu Thị Nga hiện là thuyết minh viên của Nhà triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông

Hơn 4 năm thuyết minh tại Nhà triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông, chị Nga đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều đoàn du khách, trong đó có cả những du khách quốc tế.

Cũng giống như công việc tại di tích lịch sử Nhà ngục Đắk Mil, khi nói về các nhạc cụ chị Nga phải tìm hiểu thật kỹ những đặc trưng, phương pháp biểu diễn, ý nghĩa âm thanh… để truyền tải đến người nghe một cách chân thực, thuyết phục nhất. Thậm chí, có một số nhạc cụ, người thuyết minh còn phải học cách sử dụng để có thể minh họa cho người nghe, người xem.

Chị Nga chia sẻ: “Trước khi Nhà triển lãm âm thanh đón khách tham quan, chúng tôi đã được các chuyên gia nước ngoài tập huấn. Tuy nhiên, để có thể tự tin nói trước mọi người, đặc biệt là giải đáp các thắc mắc của du khách, các thuyết minh viên của bảo tàng còn phải nghiên cứu, tìm đọc rất nhiều tài liệu, từ đó chủ động điều tiết thông tin, thể hiện cảm xúc phù hợp với từng nhạc cụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan tìm hiểu nội dung, hiện vật trưng bày”.

hinh-thuyet-minh-vien-3(1).jpg
Chị Nga trực tiếp chơi nhạc cụ để phần thuyết minh của mình được thuyết phục

Khoảng thời gian làm thuyết minh không nhiều, nhưng đối với chị Nga, đó là những năm tháng ý nghĩa, chị được sống trọn vẹn với đam mê của mình. Mỗi đoàn khách tới thăm, khi ra về đều nở nụ cười rạng rỡ, đó chính là mục tiêu duy nhất mà chị luôn cố gắng đạt được khi làm nghề thuyết minh viên.

Chị Nga nói thêm: “Trong 4 năm qua, các đoàn khách từ các tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan Nhà triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông đều hết sức ấn tượng với các hiện vật tại đây. Có thể nói, đây là một trong những điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, và anh chị em thuyết minh viên tự hào khi đã góp phần đưa hình ảnh Đắk Nông tới với mọi người”.

Thanh Hằng