Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc ở Khánh Hòa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:31, 23/10/2023
Xưởng nhạc cụ Thanh Cầm: Nơi lưu giữ âm thanh truyền thống trong lòng Thủ đôTrải nghiệm khám phá vũ trụ tại Nha Trang |
Không gian trưng bày bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống các dân tộc ở Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa. |
Những ngày này, người dân, du khách thường tới Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa để xem các hiện vật, hình ảnh, tư liệu giới thiệu về những loại nhạc cụ đặc trưng của một số dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Nổi bật giữa không gian trưng bày là 5 chiếc trống đồng Đông Sơn được khai quật từ trong lòng đất, trong đó có 2 chiếc được tìm thấy ở thành phố Nha Trang (từ năm 1983) và 3 chiếc ở thị xã Ninh Hòa. Qua nghiên cứu, cả 5 trống đều là sản phẩm của cư dân Đông Sơn, biểu hiện không chỉ ở dáng hình, hoa văn mà còn ở kỹ thuật đúc.
Trống đồng Đại Cát đang được trưng bày ở bảo tàng, giữa trống có hình ngôi sao nổi 10 cánh. |
Ngoài trống đồng Đông Sơn, bộ sưu tập này còn có Đàn đá Khánh Sơn, Mã La của dân tộc Raglai và một số nhạc cụ dân tộc của cộng đồng người Chăm, Raglai, Êđê, Cơ Ho…
Bà Grace (du khách từ Australia) ngắm bộ đàn đá Khánh Sơn |
Đến thành phố Nha Trang nghỉ dưỡng, bà Grace (du khách từ Australia) hay tin Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đang trưng bày bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, cho nên đến tham quan. “Bộ sưu tập nhạc cụ này rất độc đáo, nhất là phong cách thiết kế. Tôi thấy thích thú chỉ từ tre nứa, hay đá mà người Việt đã tạo nên được những loại nhạc cụ này”, bà Grace nói.
Theo Bảo tàng tỉnh, sưu tập đàn đá Khánh Sơn phát hiện từ năm 1979, qua tư liệu, đàn đá Khánh Sơn được chế tác tại Dốc Gạo, một ‘công xưởng’ chế tác đàn đá. Hệ thống các sưu tập đàn đá được phát hiện tại đây được xác định một niên đại cách đây 3.000 năm.
Bộ đàn đá bao gồm 12 thanh với kích cỡ dài ngắn khác nhau và được đẽo gọt rất công phu, chất liệu bộ đàn đá này là đá Rhyolite porphyre vốn chỉ tìm thấy ở khu vực huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa); tỉnh Ninh Thuận và phía Đông tỉnh Lâm Đồng.
Trong khuôn khổ hoạt động trưng bày, nhiều bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng, tìm hiểu thêm thông tin về hững loại nhạc cụ đặc trưng của một số dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Khánh Hòa.
“Mỗi nhạc cụ đều rất độc đáo, khác biệt và có tính lịch sử cao. Em mong mọi người có thể lan tỏa hình ảnh, chung tay gìn giữ những nhạc cụ dân tộc mà thế hệ tiền nhân đã sáng chế”, bạn Lê Bảo Khanh, sinh viên Đại học Nha Trang cho hay.
Trong bộ sưu tập còn có một số nhạc cụ của người Chăm như đàn Kanhi, đàn Rabap, trống Ginăng, trống Baranưng (Basang), kèn Saranai, trống Hagar (trống nhỏ)… Hầu hết được sử dụng trong các lễ hội của đồng bào người Chăm.
Ngoài ra, một số nhạc cụ truyền thống của các dân tộc khác cũng phong phú và độc đáo như: Mã la, cồng chiêng, trống, khèn bầu, đàn chapi...
Trống Paranưng của người Chăm (trái) và trống da trâu (phải). |
Trống Ghi-năng của người Chăm, dài hình trụ, thường biểu diễn bằng cặp đôi để nghiêng nằm chéo nhau. |
Ðàn Chapi của người Raglai chỉ là ống tre gai già, hoặc bương có đường kính khoảng 8 - 10 cm, được phơi khô trên gác bếp trong thời gian khoảng bốn, năm tháng rồi sử dụng làm đàn. Tre sấy càng khô kiệt, sẽ cho âm thanh càng hay, khi dùng tránh bị mối mọt. |
Chị Trịnh Thị Nguyệt - phòng trưng bày Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa – chia sẻ, kể từ khi bộ sưu tập nhạc cụ được trưng bày đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan. Nhưng chủ yếu là du khách quốc tế, đặc biệt là các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước phương Tây.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 36 dân tộc đang sinh sống, mỗi dân tộc đều có những đặc trưng văn hóa riêng biệt.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thanh Phong cho biết, hoạt động trưng bày bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc nhằm giới thiệu cho mọi người biết thêm về âm nhạc truyền thống của các dân tộc với những giá trị tinh thần to lớn.
Bên cạnh đó còn hướng đến tuyên truyền đến công chúng về cái hay, cái đẹp của các loại nhạc cụ dân tộc, cũng như ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa của người xưa để lại.
Hoạt động trưng bày bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống các dân tộc diễn ra đến ngày 23/11.