Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng | Báo Công Thương

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:41, 23/10/2023

Hạt dẻ Trùng Khánh, lục trà và hồng trà Kolia, lạp sườn, thịt xông khói, miến dong… là những sản phẩm OCOP độc đáo, chất lượng và giá trị của Cao Bằng.

Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng

Hạt dẻ Trùng Khánh, lục trà và hồng trà Kolia, lạp sườn, thịt xông khói, miến dong… là những sản phẩm OCOP độc đáo, chất lượng và giá trị của Cao Bằng.

GẦN 100 SẢN PHẨM OCOP GIÁ TRỊ

Những ngày tháng 9, chúng tôi có dịp ngược phía Bắc lên với Cao Bằng, lên với vùng đất đang rộ mùa hạt dẻ chín. Huyện Trùng Khánh, cách TP. Cao Bằng khoảng 58 km là thủ phủ của loại hạt dẻ thơm bùi ít nơi đâu sánh được. Hàng năm, cứ vào đầu mùa thu là hạt dẻ bắt đầu chín và có thể thu hoạch được. Những quả hạt dẻ chín đã tách hẳn làm đôi, phía trong lộ ra hai, ba hạt nâu bóng to bằng đầu ngón tay ôm khít lấy nhau thành một khối tròn nằm gọn trong lòng vỏ cứng.

Cây hạt dẻ theo tiếng địa phương còn gọi là Mác lịch. Huyện Trùng Khánh có diện tích trồng cây hạt dẻ trên 240 ha, tập trung nhiều ở thị trấn Trùng Khánh, các xã Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê và Phong Châu. Năm 2014, sản phẩm hạt dẻ Cao Bằng được công bố chỉ dẫn địa lý Trùng Khánh, đem lại ý nghĩa quan trọng về thương mại, du lịch địa phương. Khác biệt so với hạt dẻ ở các địa phương khác, ở Trùng Khánh hạt to đều, gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng.

Vỏ màu nâu sẫm, lớp lông tơ màu trắng nhạt, vỏ lụa mỏng, nhân có màu vàng (khác với hạt dẻ Trung Quốc nhân có màu trắng). Có hai cách thông dụng để ăn hạt dẻ Trùng Khánh đó là rang hoặc luộc. Dù bất cứ phương pháp nào thì vị ngọt tự nhiên, độ bở và hương thơm của loại hạt này cũng không thể lẫn vào đâu được.

Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng

Với chất lượng và giá trị cao, hạt dẻ Trùng Khánh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Mỗi mùa hạt dẻ, tuỳ vào diện tích, loại hạt này có thể mang lại hàng trăm triệu đồng thu nhập cho người dân địa phương.

Cùng với hạt dẻ Trùng Khánh, hiện nay, tỉnh Cao Bằng có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao); 67 chủ thể thực hiện OCOP (22 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất, kinh doanh).

Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: Lạp sườn, thịt xông khói (Hợp tác xã Tâm Hòa); miến dong Tân Việt Á (Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á); gạo nếp Hương Bảo Lạc (Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm)…

GIÁ TRỊ CAO TỪ CÁC SẢN PHẨM OCOP

Chất lượng và an toàn, các sản phẩm OCOP Cao Bằng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, nhiều sản phẩm đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: Sản phẩm lạp sườn, thịt xông khói của HTX Tâm Hòa; sản phẩm miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản Tân Việt Á; các sản phẩm bún khô của HTX Ba sạch Hưng Đạo; sản phẩm thạch đen Lê Thùy của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy; sản phẩm gạo nếp hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm…

Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng

Đáng chú ý, lục trà và hồng trà của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng (Công ty Kolia) mới có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao nhưng từ trước đã xuất khẩu đi một số nước (Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Australia). Cây chè được trồng ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển của vùng núi Phja Đén - Phja Oắc, phát triển trong vùng khí hậu lạnh, mây mù bao phủ quanh năm. Điều kiện đặc biệt đó đã tạo ra những lá chè dày hơn, tích lũy được những tinh chất quý giá tạo nên một hương vị đặc biệt cho trà Kolia.

Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Công ty Kolia chia sẻ: Với quy trình sản xuất hữu cơ khép kín từ nguyên liệu đầu vào tới quá trình chế biến, Kolia tự tin cung cấp cho thị trường nguồn sản phẩm chất lượng cao và đáng tin cậy. Chúng tôi phấn đấu để đạt danh hiệu sản phẩm OCOP 5 sao trong 1 – 2 năm nữa để khẳng định được thương hiệu của chè Kolia Cao Bằng.

Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng

Ngoài ra, sản phẩm chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa của Công ty TNHH một thành viên 668 được xuất khẩu Đài Loan (Trung Quốc), góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Các sản phẩm OCOP đã và đang được nhiều địa phương chú trọng thực hiện. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Chương trình OCOP đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, tham gia của các chủ thể OCOP trong tỉnh. Giúp các chủ thể OCOP tăng sức cạnh tranh trong quá trình kinh doanh sản phẩm trên thị trường. Các chủ thể tham gia thấy được lợi ích khi được chứng nhận OCOP, mang lại nhiều giá trị, hiệu quả.

PHẤN ĐẤU CÓ THÊM 30 SẢN PHẨM OCOP

Với những giá trị mang lại, Chương trình OCOP tiếp tục được tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là sự tham gia và hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, OCOP sẽ là cơ sở, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.

Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.

Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng

Để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền thông qua các loại hình truyền thông để làm rõ và sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP về phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hoá địa phương…); tổ chức các lớp tập huấn hàng năm gắn với thực hiện chu trình OCOP cho các chủ thể OCOP, chú trọng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy suất nguồn gốc sản phẩm… phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu về chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP.

Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên: Sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ đặc sản, nguyên liệu địa phương... Hướng dẫn các chủ thể OCOP về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP. Tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP gắn với đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì sản phẩm cho thanh niên, phụ nữ và người dân nông thôn.

Tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

Đồng thời, nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; thử nghiệm mô hình tuyến phố OCOP. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Hằng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp. Chỉ đạo rà soát các làng nghề, ngành nghề trên địa bàn huyện gắn với thực hiện Chương trình OCOP, qua đó có 2 xã với 3 ngành nghề có tiềm năng phát triển và trình UBND tỉnh công nhận ngành nghề, làng nghề: Nghề làm tương, bánh khảo xã Đoài Dương, nghề mây tre đan xã Phong Châu. Tiếp tục rà soát, tranh thủ các nguồn lực để chuẩn hóa sản phẩm đáp ứng điều kiện tham gia Chương trình OCOP năm 2023.

Đặc biệt, với loại cây trồng chủ lực là hạt dẻ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã chủ trì xây dựng đề án phát triển cây hạt dẻ Trùng Khánh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Longform | Thảo thơm sản phẩm OCOP Cao Bằng

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, hình thành vùng sản xuất cây dẻ Trùng Khánh tập trung tại 7 xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đàm Thuỷ, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Minh và Thị trấn Trùng Khánh với diện tích 700ha, năng suất bình quân đạt 22 tạ/ha, sản lượng 1.540 tấn, thu nhập đạt khoảng 220 triệu đồng/ha, mang lại giá trị cao cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Bảo Ngọc

Đồ họa: Vũ Hạnh

Sắp diễn ra Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng miền năm 2023Nghệ An: Định vị thương hiệu, nâng tầm sản phẩm OCOP

Phương Lan - Vũ Hạnh