Hà Tĩnh: Kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con miền núi, vùng dân tộc
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:29, 24/10/2023
Khánh Hòa: Kết nối cung cầu, quảng bá nông sản, sản phẩm OCOPGia Lai: Kết nối cung cầu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Đa dạng sản phẩm của bà con vùng dân tộc
Hương Sơn – Hà Tĩnh là một huyện trung du, miền núi của tỉnh Hà Tĩnh nên bà con dân bản ở đây chủ yếu bám trụ vào rừng núi và nghề chăn nuôi để kiếm sống, đặc biệt là nghề nuôi hươu sao lấy nhung. Nét đặc trưng của con hươu là ưa thích ăn các loại lá cây có nhiều nhựa mủ, nhiều lông (ráp), có vị đắng, chát (ở núi rừng Hương Sơn các loại cây này có nhiều). Đặc biệt, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp cho sự sinh trưởng của hươu sao. Với khí hậu khắc nghiệt của nắng nóng, gió Lào vào mùa hạ và gió mùa vào mùa đông, hươu sao vùng này đã hình thành sự chịu đựng và sức đề kháng mà những con hươu sao nuôi ở vùng khác không có được.
Nuôi hươu là một trong những nghề tiêu biểu của bà con vùng đồng bào dân tộc Chứt huyện Hương Sơn |
Bên cạnh đó, hươu ở đây được uống nguồn nước trong sạch chảy từ các khe suối trong rừng già nên rất khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, nhung mập, hồng hào, chứa nhiều dưỡng chất. Nhung hươu ở đây vượt trội so với các vùng miền trong nước và trên thế giới.
Từ bàn tay khéo léo của bà con dân tộc Chứt tại Hương Sơn và từ một loại đặc sản miền núi kết tụ từ tinh hoa của núi đồi, nhung hươu được đánh giá là một trong những sản phẩm nổi bật của bà con vùng dân tộc miền núi Hà Tĩnh. Nhung hươu được chế biến thành nhiều sản phẩm với giá trị cao như: Rượu nhung hươu, nhung hươu tán bột, nhung hươu thái lát...
Cùng với nhung hươu, những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật ở huyện miền núi Hương Sơn cũng phát triển khá nhanh, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Vì vậy, tiếp tục mở rộng quy mô nghề ong và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong là hướng đi đã được địa phương nỗ lực thực hiện.
3 năm qua, thương hiệu mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm) đã trở nên nổi tiếng và được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2019. Khi đến với vùng đất này du khách hay con em Hương Sơn thường lựa chọn sản phẩm này làm quà tặng cho bạn bè.
Chia sẻ về quy trình sản xuất, anh Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mật ong Cường Nga cho hay, quy trình nuôi ong được HTX Mật ong Cường Nga thực hiện theo quy trình VietGAP. Thời điểm khai thác, xả mật, bổ sung thức ăn và lựa chọn nguồn hoa đều được HTX thực hiện một cách quy củ, tuân thủ đúng phương pháp đã được tập huấn. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên sản lượng tăng cao hàng năm. Mật có giá trị cao đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con tham gia HTX.
Cùng với Hương Sơn, nhiều địa phương khác của tỉnh Hà Tĩnh đang sở hữu những loại đặc sản nổi tiếng như: Cam, bưởi, mật ong, trầm hương…
Trầm hương Đinh Gia, Phúc Trạch, Hương Khê được quảng bá tại hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Tĩnh năm 2023 |
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Tĩnh năm 2023 diễn ra mới đây, ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh thông tin, Hà Tĩnh với hơn 366.000 ha rừng và đất rừng, trên 97.000 ha đất nông nghiệp với những đặc trưng về đất đai thổ nhưỡng và quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nông thôn của người dân, đã hình thành nhiều sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Đến nay, địa phương có gần 300 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; 196 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được sản xuất từ khu vực miền núi, biên giới, tiêu biểu như: Chè, cam, chanh, bưởi, mật ong, trầm hương, nhung hươu... Nhiều sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có chất lượng, giá trị cao đã mang lại sinh kế bền vững cho bà con.
Song, giống như nhiều địa phương khác, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, hoặc khó tìm đầu ra, đặc biệt với các sản phẩm mang tính thời vụ.
Chính vì vậy, Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc trưng của Hà Tĩnh. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sản vật địa phương, đặc biệt là sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con
Kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng được ngành Công Thương Hà Tĩnh đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua. Để làm được điều này, các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện bao bì mẫu mã và quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại. Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn như: Big C, Co.opmart, Winmart...
Tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại nông sản Hà Tĩnh |
Hàng năm, đã có rất nhiều các sự kiện xúc tiến thương mại được triển khai, trong đó một trong những trọng tâm là xúc tiến thương mại nông sản, đặc sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Tĩnh vào hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh. Ngay tại Hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Tĩnh năm 2023, các siêu thị, đơn vị phân phối đã trao đổi 17 bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu miền núi Hà Tĩnh với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.
Các doanh nghiệp, đơn vị phân phối đánh giá cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm miền núi Hà Tĩnh và khẳng định sẽ phối hợp, đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mong muốn các đơn vị sản xuất tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng chất lượng, đầu tư về hình thức, tăng tính nhận diện các sản phẩm sạch, thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh.
Song song với việc kết nối vào các kênh phân phối bán lẻ, thương mại điện tử đã trở thành một kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của Hà Tĩnh. Các sản phẩm đặc sản, nông sản của Hà Tĩnh cũng đang tiếp cận và khẳng định “lên sàn” là nhiệm vụ hàng đầu để mở rộng thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm của tỉnh đã mạnh dạn đầu tư chi phí để lập fanpage, website, chạy quảng cáo trên các mạng xã hội, thuê đơn vị quảng cáo, làm hình ảnh…
Đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh ở địa chỉ hatiplaza.com đã hoàn thiện gần 400 gian hàng để phục vụ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên 10 sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh trong cả nước (Huế, Yên Bái, Hà Nam, Phú Yên, Cần Thơ, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Trị...).
Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Tĩnh còn phối hợp với Bộ Công Thương và các sàn thương mại điện tử lớn triển khai mô hình “Gian hàng Việt trực tuyến” đối với sản phẩm cam Hà Tĩnh và bưởi Phúc Trạch; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng tải, vận hành gian hàng lên các sàn: Sendo, Voso, Postmart, shopee… Nhờ đó, đầu ra cho sản phẩm đã được tháo gỡ một phần.
Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng sản lượng, nâng cao chất lượng, tính đồng đều, ổn định khi cung ứng ra thị trường.