Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 139.400 tỉ đồng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 20:01, 25/10/2023
Phát hành gần 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tháng 9/2023Thị trường trái phiếu Mỹ sắp đón nhận “cơn địa chấn” mới |
Bộ Tài chính nhận định thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Chính vì thế, kể từ quý II, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại.
Từ quý 2, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại |
Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ. Trong đó, khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng.
Cụ thể, như trong quý II, khối lượng phát hành bình quân đạt 3.000 tỉ đồng/tháng, sang quý 3 là 35.000 tỉ đồng/tháng. Tính đến hết tháng 9, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 139.400 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Tuy nhiên, theo ước tính của VnDirect, tính đến ngày 26/9, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.
Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 176.100 tỉ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Do vậy theo Bộ Tài chính, đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, căn cứ Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có thể thực hiện theo các phương án như: Đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.
Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải bố trí nguồn lực để thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn cho nhà đầu tư như cam kết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải mua lại trái phiếu trước hạn nếu có vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu. Trường hợp gặp khó khăn, căn cứ Nghị định 08, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình.
Doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Đối với nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng; đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Quan trọng hơn nữa là nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Đối với các dịch vụ tư vấn, nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng. Người dân cần phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng.
Thời gian qua, một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã gây ra những bất ổn trên thị trường trái phiếu.
Các vụ việc nêu trên đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến Tân Hoàng Minh, thông tin từ Bộ Tài chính, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra. Theo đó, doanh nghiệp đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Căn cứ quy trình xử lý, cơ quan công an sẽ thực hiện thủ tục hoàn tiền cho nhà đầu tư bị hại.