Giải pháp phát triển công nghiệp thành phố thích ứng xu hướng chuyển dịch
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 21:34, 25/10/2023
Cơ hội cho doanh nghiệp dầu khí tiếp cận công nghệ mớiThanh Hóa: Thúc đẩy sản phẩm công nghiệp mới, công nghiệp hàm lượng cao, tạo động lực tăng trưởng kinh tế |
Chiều 25/10, Viện nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo xu hướng chuyển dịch sản xuất ra các tỉnh và đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp thành phố thích ứng với xu hướng chuyển dịch.
Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh vẫn có sức hút riêng như: Vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách đầu tư, thương hiệu địa phương, chất lượng dịch vụ công... Cùng đó, có cơ sở hạ tầng logistics tốt, giao thông kết nối khu vực và quốc tế.
Sự chuyển dịch sản xuất của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh ra các tỉnh, thành phố là xu hướng tất yếu. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tuy nhiên, sự chuyển dịch sản xuất của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh ra các tỉnh, thành phố là xu hướng tất yếu. Đồng thời, nếu nhìn ở góc độ tích cực thì sự chuyển dịch này góp phần tái cơ cấu ngành và không gian phát triển công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cũng như thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển dịch vụ.
Lý giải về nguyên nhân doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chuyển dịch sản xuất ra các tỉnh, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Da giày Tp. Hồ Chí Minh phân tích, do chi phí sản xuất trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, gồm chi phí nhân công, thuê mặt bằng; tiền thuê đất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp... Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động cho hoạt động sản xuất, nhất là lao động phổ thông, chi phí lao động cao...
Hiện nay, cơ sở hạ tầng Tp. Hồ Chí Minh quá tải, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp không đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, môi trường đầu tư ở các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông thoáng, khả năng tiếp cận các nguồn lực tốt, thủ tục hành chính thuận lợi... hơn so với Tp. Hồ Chí Minh.
Trước thực trạng này, giải pháp phát triển công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh thích ứng với xu hướng chuyển dịch được đại diện các sở, ngành đề xuất là phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp thời trang... Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh nên đẩy mạnh định hướng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; trung tâm khởi nghiệp, sản xuất năng lượng xanh; địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp...
Riêng về giải pháp triển khai thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98/2023/QH15) cần thực hiện ưu đãi thu hút nhà đầu tư chiến lược; chính sách quản lý khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Để có cơ sở triển khai thực hiện những chính sách ưu đãi này, Tp. Hồ Chí Minh khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và chuẩn bị nguồn lực thực thi chính sách.
Trước mắt, Hội đồng nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cần sớm ban hành những nội dung thuộc trách nhiệm của Hội đồng nhân dân được quy định tại điều 8 của Nghị quyết 98/2023/QH15 bởi nếu chậm ban hành sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và tiếp cận chính sách ưu đãi sản xuất.
Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Ban quản lý và những đơn vị liên ngành cần linh hoạt trong quy hoạch ngành ở các khu chế xuất - khu công nghiệp, có những phân khu đơn ngành, đa ngành hoặc liên ngành có tính hỗ trợ lẫn nhau.
Mặt khác, nếu Ban quản lý và những đơn vị liên ngành chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong quy hoạch khu chế xuất - khu công nghiệp sẽ giúp giải quyết bài toán giá đất trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Theo ông Trần Văn Bích, đại diện Viện nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh, giải pháp tái cơ cấu khu công nghiệp đang hoạt động khu vực phía Đông của Tp. Hồ Chí Minh chuyển đổi thành trung tâm logistics, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ ông nghiệp.
Còn khu vực phía Nam Tp. Hồ Chí Minh chuyển đổi thành khu công ghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp sinh thái – đô thị - cảng; khu vực phía Tây – Bắc khuyến khích doanh nghiệp đầu đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; khu vực phía Tây theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp – đô thị - dịch vụ.