Hội nghị Kết nối giao thương - Xúc tiến xuất khẩu Long An 2023

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:24, 25/10/2023

Là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long song không nằm ngoài khó khăn chung, hoạt động xuất khẩu của Long An đang sụt giảm.

Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Hoa KỳXuất khẩu Long An tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 25/10, UBND tỉnh Long An phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương - Xúc tiến xuất khẩu Long An 2023. Hội nghị có sự tham dự của gần 400 đại biểu gồm: Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Xúc tiến thương mại; Thương vụ Việt Nam tại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, UAE; đại biểu tỉnh Long An; doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng.

Xuất khẩu tăng nhưng vẫn đối diện nhiều thách thức

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết: Long An có nhiều tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư, giao thương khi nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP. Hồ Chí Minh, cửa ngõ chính huyết mạch về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.

Năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 156.000 tỷ đồng, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 13 của cả nước. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm nay tỉnh đã thu hút được hơn 141 dự án đầu tư với tổng vốn gần 1 tỷ USD (trong đó có 82 dự án FDI) và cũng là tỉnh trong top 10 tỉnh/ thành thu hút vốn FDI cao nhất của cả nước hiện nay.

Hội nghị Kết nối giao thương - Xúc tiến xuất khẩu Long An 2023
Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Không những là điểm sáng trong thu hút đầu tư, theo ông Nguyễn Văn Út, Long An còn đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có hơn 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó hơn 320 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các mặt hàng xuất khẩu đa dạng và thị trường được mở rộng tới 110 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Những năm qua, chất lượng sản phẩm xuất khẩu được cải thiện, nâng cao và có tính cạnh tranh khi cơ cấu mặt hàng chuyển dần từ nhóm hàng nông sản sang công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh đạt khoảng 6,7 tỉ USD, tăng 8,9 % so với cùng kỳ. Trong 8 tháng 2023 xuất khẩu của tỉnh đạt 3,83 tỉ USD - vượt xa so với các địa phương khác trong vùng.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Út cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các tháng đầu năm 2023 do đang có chiều hướng sụt giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. “Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để tháo gỡ, xúc tiến đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp song nếu chỉ dựa vào tầm và sức của tỉnh sẽ có giới hạn. Do vậy, hội nghị này được tổ chức có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, hệ thống phân phối nước ngoài tại một số khu vực - thị trường xuất khẩu sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu”- ông Út nói.

Bộ Công Thương sẽ đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong các hoạt động xúc tiến xuất khẩu

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng- cho biết: Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do nhu cầu thị trường nội địa và thế giới phục hồi chậm chạp, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và Long An nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của tỉnh cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Hội nghị Kết nối giao thương - Xúc tiến xuất khẩu Long An 2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.

“Hội nghị ngày hôm nay là hoạt động xúc tiến xuất khẩu, thương mại quan trọng nhằm quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của Long An năm 2023 do UBND tỉnh Long An phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Được biết, tại hội nghị này có sự tham dự của 4 Tập đoàn phân phối, bán lẻ lớn là: Central Retail (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lu Lu (các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) và Circle K (Hồng Công); 5 đoàn doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với tổng số trên 20 doanh nghiệp; các Tham tán thương mại, Trưởng chi nhánh Thương vụ tại Bắc Kinh, Nam Ninh (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore…

Thứ trưởng Phan Thị Thắng kỳ vọng, thông qua những chương trình kết nối như hội nghị này, doanh nghiệp tỉnh Long An sẽ nắm bắt thêm thông tin về tình hình, nhu cầu thị trường xuất khẩu; cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường; tiềm năng, dư địa xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Còn doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tiếp cận, đánh giá được năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu Long An cũng như nắm bắt tình hình phát triển logistics tại địa phương. Từ đó giúp thị trường xuất khẩu mở rộng và có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của Long An nói riêng và của Việt Nam nói chung đi xa hơn, bền vững hơn.

Tuy vậy, thời gian tới, để xuất khẩu của Long An phát triển bền vững hơn, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị tỉnh: Tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại và chỉ đạo, tạo điều kiện cho Sở Công Thương, cơ quan xúc tiến thương mại địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động này. Tỉnh cần đẩy mạnh khai thác thị trường ngách, thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng như châu Phi, Nam Á, trong đó đặc biệt chú ý thị trường châu Phi với gần 1,5 tỷ dân, nhập khẩu hơn 800 tỷ USD/năm. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định này.

Thùy Dương

Thùy Dương