Gaza cần hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài để vực dậy nền kinh tế
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:28, 25/10/2023
Những ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis ở Dải Gaza, ngày 23/10/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Dải Gaza cần hàng tỷ USD viện trợ kinh tế từ nước ngoài để bù đắp thiệt hại sau nhiều năm bị phong tỏa, kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 25/10.
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD, cho rằng khó có thể đánh giá chính xác số tiền cần thiết để vực dậy nền kinh tế Gaza khi xung đột tiếp diễn, song con số này dự kiến lên tới hàng tỷ USD.
Trong báo cáo về phát triển kinh tế Gaza năm 2022, UNCTAD nêu bật tình trạng kiệt quệ của nền kinh tế vùng lãnh thổ này, ngay cả trước khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas leo thang đỉnh điểm hồi đầu tháng này.
Theo báo cáo, năm ngoái, chính quyền Palestine chỉ nhận được 250 triệu USD viện trợ ngân sách và 300 triệu USD từ các dự án phát triển.
Viện trợ nước ngoài cũng giảm mạnh trong thời gian từ năm 2008- 2022, từ 2 tỷ USD - tương đương 27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - xuống còn 550 triệu USD - chưa đến 3% GDP của Palestine năm ngoái.
Báo cáo cũng cho biết gần 50% dân số Gaza thất nghiệp và hơn 50% sống trong cảnh nghèo đói.
Mặc dù trong những năm gần đây, nhiều lao động tại Gaza đã được cấp giấy phép làm việc tại Israel, song số người được cấp phép chỉ chiếm khoảng 1% số lao động có việc làm tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này. Số người có việc làm quá thấp để giúp Gaza thoát cảnh nghèo đói.
Những thiệt hại to lớn mà Gaza hứng chịu do những lệnh phong tỏa kéo dài và các hoạt động quân sự thường xuyên đã “bóp nghẹt” nền kinh tế và tàn phá cơ sở hạ tầng tại đây.
Báo cáo đánh giá: “Các lệnh phong tỏa biên giới và hoạt động quân sự liên tiếp khiến nền kinh tế và thể chế ở đây bị kiệt quệ.”
UNCTAD cảnh báo điều này không chỉ gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, mà còn dẫn đến những hệ quả gián tiếp và lâu dài cho thế hệ tương lai.
Báo cáo kêu gọi các nhà tài trợ cũng như cộng đồng quốc tế tăng cường đáng kể viện trợ kinh tế để khắc phục những thiệt hại mà Gaza hứng chịu.
Báo cáo lưu ý: “Mặc dù viện trợ có vai trò quan trọng để hỗ trợ người dân Gaza, nhưng không nên được xem như một biện pháp thay thế cho việc chấm dứt các lệnh hạn chế và đóng cửa”./.