Kinh tế

Đắk Nông gặp khó trong ủy thác vốn chính sách

Nguyễn Lương 25/10/2023 16:14

Hàng năm, tỉnh Đắk Nông ủy thác một phần ngân sách qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để bổ sung thêm nguồn vốn vay. Tuy nhiên, năm 2023, việc ủy thác vốn này đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều “ông lớn” xin khất

Ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương qua NHCSXH để bổ sung vốn vay là một nội dung quan trọng trong Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư. Theo kế hoạch, năm 2023, Đắk Nông sẽ ủy thác ngân sách 55,5 tỷ đồng qua NHCSXH. Trong đó, ngân sách tỉnh 25 tỷ đồng; các huyện, thành phố 30,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều huyện, thành phố vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ ủy thác vốn. Một số huyện, thành phố đã xin khất nhiệm vụ vì gặp khó trong thu ngân sách.

101157img_4419-1-.jpg
Thông thường nguồn vốn ủy thác vốn từ ngân sách sẽ được các địa phương chuyển đủ từ đầu năm

Năm 2023, TP. Gia Nghĩa có kế hoạch trích ngân sách ủy thác qua NHCSXH là 6 tỷ đồng. Đến 30/9, địa phương mới thực hiện 4 tỷ đồng, còn thiếu 2 tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương cho hay, thu ngân sách địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Số vốn ủy thác còn lại 2 tỷ đồng, địa phương mong tỉnh và các huyện cùng chia sẻ. “Chúng tôi phấn đấu từ nay đến cuối năm 2023 sẽ chuyển sang. Trường hợp không cân đối được, thành phố xin khất đến đầu năm 2024”, ông Sương chia sẻ.

Năm 2023, huyện Đắk Song được giao 3 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác, nhưng đến nay mới giải quyết được 1,5 tỷ đồng. Số còn lại phụ thuộc vào tình hình thu ngân sách từ nay đến cuối năm 2023. “Tình hình thu ngân sách gặp khó khăn. Vì thế, địa phương đang cố gắng cân đối”, ông Võ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết.

img_6734(1).jpg
Nguồn vốn ủy thác sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn phát triển kinh tế

Tương tự, huyện Đắk Mil, năm 2023 được giao ủy thác 4,5 tỷ đồng . Đến thời điểm này, địa phương chuyển sang 3,5 tỷ đồng cho NHCSXH. Số còn lại, huyện đang cố gắng cân đối vì thu ngân sách gặp khó khăn.

Tính đến hết tháng 9/2023, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của Đắk Nông qua NHCSXH tỉnh là 302 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dư nợ. Trong đó, kế hoạch ủy thác năm 2023 của tỉnh là 55,5 tỷ đồng.

Phải ưu tiên vốn cho người nghèo

Thông thường, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sẽ được các đơn vị chuyển qua cho NHCSXH ngay thời điểm đầu năm. Vì nguồn được bổ sung sớm sẽ có thêm nhiều hộ gia đình được vay vốn phục vụ sản xuất kịp thời.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Đắk Nông mới chỉ có 4/8 huyện hoàn thành ủy thác vốn gồm: Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Krông Nô. Còn những địa bàn khác chưa đạt mục tiêu đề ra. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nghiêm Hồng Quang cho rằng, riêng chỉ tiêu ủy thác cấp tỉnh đã cấp đủ. Bây giờ, mỗi huyện, thành phố phải phấn đấu để hoàn thành.

“Ngân sách tỉnh hiện rất hạn hẹp. Nhiều nhiệm vụ cấp bách cần phải chi. Nếu chi nhiệm vụ này, bắt buộc phải giảm, thậm chí cắt kinh phí của nhiệm vụ khác. Cho nên, phương án tăng ủy thác phần ngân sách của tỉnh rất khó. Điều này buộc các huyện phải cố gắng và cùng chia sẻ”, ông Quang khẳng định.

img_9175(1).jpg
Nhiều hộ gia đình ở Đắk Mil được vay vốn từ nguồn ủy thác ngân sách địa phương để phát triển kinh tế

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến nhấn mạnh, phải ưu tiên nguồn vốn cho người nghèo. Các địa bàn kinh tế vững như Gia Nghĩa, Đắk Mil... bằng mọi cách phải cố gắng hoàn thành chỉ tiêu ủy thác trong năm nay. Riêng những địa bàn quá khó khăn, tỉnh sẽ tính toán thêm.

“Đến 30/11/2023, những địa bàn nào thực sự khó khăn quá, tỉnh sẽ xem xét. Về phía Sở Tài chính chủ động cân đối nguồn thu, ưu tiên thêm nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để bổ sung công tác cho vay”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến chỉ đạo.

Nguyễn Lương