Phá rừng ở Đắk Glong giảm nhưng vẫn "nóng"
Tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng ở Đắk Glong (Đắk Nông) vẫn diễn ra thường xuyên, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường.
Hơn 1 năm nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 1644 và 1645, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã giảm sâu. Khu vực này trước đây từng giao cho 1 hợp tác xã thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Do đơn vị này quản lý không tốt, phá rừng diễn biến phức tạp nên bị UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi, giao lại cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Công ty Quảng Sơn) quản lý.
Mặc dù phá rừng giảm nhưng khu vực này vẫn là “điểm nóng” trong lâm phần quản lý của Công ty Quảng Sơn. Bởi nơi đây có rất nhiều người dân đã phá rừng, dựng nhà rẫy và canh tác trên đất. Rừng nằm giáp ranh với rẫy của người dân nên đứng trước nguy cơ bị phá từng ngày. “Họ canh đường, canh mình để tìm cách vi phạm. Chỉ mất tập trung 1 chút là rừng có nguy cơ bị phá, đất rừng bị chiếm ngay”, đó là lời tâm sự của H, một nhân viên trạm quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) số 1, Công ty Quảng Sơn.
Không riêng gì khu vực tiểu khu 1644 và 1645, cả những cánh rừng thông non, rừng keo lai mới trồng cũng đứng trước nguy cơ bị hủy hoại để chiếm đất. Trong tháng 8/2023, Công ty Quảng Sơn đã phát hiện 3 vụ hủy hoại rừng trồng tại tiểu khu 1659 và 1646. Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng trên 1.350 cây rừng non đã bị hủy hoại.
Theo Công ty Quảng Sơn, trong quý III/2023, đơn vị phát hiện 14 vụ vi phạm lâm luật (giảm 8 vụ so với cùng kỳ). Trong số này có 3 vụ phá rừng, 3 vụ hủy hoại rừng trồng và 8 vụ dựng nhà, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Không riêng gì địa bàn Quảng Sơn, tình trạng vi phạm lâm luật tại xã Quảng Hòa, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Quảng Sơn quản lý cũng diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý là có những vụ tấn công, uy hiếp trực tiếp vào đội ngũ làm nghề QLBVR.
Lãnh đạo Công ty Quảng Sơn thừa nhận, công tác QLBVR thuộc lâm phần chỉ dừng lại ở việc báo cáo các vụ việc vi phạm. Việc xử lý vi phạm hết sức hạn chế. Công tác phối hợp của các ngành chức năng chưa chặt chẽ và hiệu quả nên chưa xử lý dứt điểm các vụ việc.
Một thực tế đang diễn ra tại lâm phần của Công ty Quảng Sơn nói riêng, huyện Đắk Glong nói chung là áp lực từ việc tăng dân số cơ học, nhất là di cư tự do. Những năm trước, số lượng dân cư tập trung về Đắk Glong tăng nhanh. Chỉ riêng tại xã Quảng Sơn, số lượng dân cư hiện đã đạt hơn 22.000 người. “Dân số tăng, nhu cầu về đất cũng tăng theo. Đất đai ở đây thì bằng phẳng, màu mỡ nên người dân dùng nhiều thủ đoạn để phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Áp lực lên lâm phần quản lý của đơn vị là rất lớn”, lãnh đạo Công ty Quảng Sơn chia sẻ.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông, tình trạng phá rừng của tỉnh năm 2023 giảm sâu so với cùng kỳ nhiều năm. Tuy nhiên, Đắk Glong vẫn là địa phương dẫn đầu về các vụ vi phạm. Tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp tại lâm phần của một số đơn vị như: Công ty Quảng Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng…
Phía Công an tỉnh Đắk Nông nhận định, tình trạng phá rừng tại khu vực Đắk Glong, đặc biệt là xã Quảng Sơn diễn biến phức tạp. Nơi đây còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh - trật tự do tình trạng tranh chấp, xung đột giữa các cá nhân, các nhóm đối tượng liên quan đến đất rừng.