ĐBQH phản ánh nhiều dự án ở Đắk Nông ách tắc vì quy hoạch bô xít
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng trên địa bàn Đắk Nông, nhiều dự án, dự án thành phần thuộc 3 Chương trình MTQG và các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác chưa thể triển khai thực hiện được, vì lý do vướng vào diện tích quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản quặng bô xít.
Hôm nay, 24/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Trong buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và một số dự thảo báo cáo liên quan do Chính phủ trình.
Tham gia thảo luận về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thống nhất và đồng thuận cao với các báo cáo trình bày tại kỳ họp này.
Đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, với nền kinh tế có GDP còn khiêm tốn nhưng lại có độ mở cao như nước ta nên trước tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và mới đây là xung đột Israel - Hamas tác động tới quá trình phục hồi của thế giới hậu đại dịch COVID-19; việc tăng giá trị đồng ngoại tệ mạnh, nhất là đồng đô la Mỹ, Các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang dần bị thu hẹp, phát sinh nhiều rào cản kỹ thuật, tạo thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu.
Vì vậy, giá nhiều mặt hàng tăng cao đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân do gia tăng chi phí sinh hoạt, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đạt được nhiều thành công, theo đánh giá là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo thời gian qua còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, còn tình trạng nghèo đói - thoát nghèo - tái nghèo. Bên cạnh đó, khi tác động của đại dịch Covid-19 chưa giải quyết xong thì thiên tai bão lũ lại đến ngày càng thường xuyên, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo. Đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm, có giải pháp toàn diện về mặt lâu dài.
Nhiều đạo luật có “tuổi thọ” thấp
Về một số lĩnh vực cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng hoạt động lập pháp đang còn những hạn chế nhất định, chủ yếu nhất là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh, tiềm ẩn việc không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Việc các cơ quan soạn thảo “trình gấp, trình vội”; thiếu đánh giá thực tiễn các quy định cần loại bỏ hoặc kế thừa từ đạo luật cũ, cũng như chưa thực sự phát huy việc lấy ý kiến rộng rãi toàn dân; tiếp nhận dự thảo luật, pháp lệnh và tài liệu liên quan chậm nên chưa nghiên cứu kỹ lưỡng.
Từ đó dẫn đến chất lượng các đạo luật thông qua chưa cao, tuổi thọ thấp. Do đó cần quyết liệt, cương quyết hơn nữa trong việc bảo đảm trình tự thủ tục ban hành văn bản pháp luật, để hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay.
Giao vốn một số chương trình mục tiêu còn chậm
Về đầu tư công, theo báo cáo của Chính phủ thì giải ngân vốn đầu tư công cải thiện đáng kể. Ước giải ngân đến hết tháng 9/2023 đạt 51,38% kế hoạch. Tuy nhiên, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt nhưng vẫn còn cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Nguyên nhân như trong báo cáo đã nêu, nhưng có một nguyên nhân là việc giao vốn một số chương trình mục tiêu còn chậm nên các địa phương, bộ, ngành không kịp triển khai, do đó cần khắc phục để vấn đề này một cách căn cơ trong thời gian tới.
Về tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), hiên nay các địa phương đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến các chương trình MTQG, một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền thì các địa phương ban hành văn bản thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay, một số bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thuộc các chương trình MTQG. Do đó, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn của các địa phương.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, kính đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG để địa phương căn cứ triển khai thực hiện đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và đúng quy định của pháp luật.
Công tác quy hoạch còn hạn chế
Về Công tác quy hoạch, có thể khẳng định quy hoạch là nền tảng định hướng cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội từ cái chung cho đến cái cụ thể của cả nước cũng như từng địa phương hay lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ thì hiện chỉ mới có16/39 quy hoạch ngành quốc gia và 14/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Như vậy có thể đánh giá tiến độ công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh nhưng việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trong hệ thống còn chậm; sự phối hợp của các cơ quan trong việc triển khai công tác quy hoạch còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn. Đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm để khắc phục nhanh tồn tại này.
Liên quan đến quy hoạch đó là thực hiện quy hoạch đất đai cho sản xuất lương thực. Dưới tác động của biến đổi khí hậu cùng các hoạt động kinh tế nên gây suy giảm nguồn nước, ô nhiễm nhiều vùng đất, cộng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, trong khi đất trồng lúa được hình thành trong hàng ngàn năm kiến tạo của tự nhiên nên chuyển đổi từ đất khác sang đất trồng lúa thì rất khó chuyển lại.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới thời gian qua đã đặt ra yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Do đó cần xác định trồng cây lương thực nói chung và cây lúa nói riêng là ngành chiến lược. Cần cương quyết, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác trong thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch diện tích đất trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thực hiện nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam cam kết, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều dự án ở Đắk Nông chưa triển khai được do vướng quy hoạch khai thác bô xít
Liên quan đến tỉnh Đắk Nông, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng: Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc về chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2030. Trong giai đoạn này, Trung ương phân bổ 292.981ha, chiếm 45% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với chỉ tiêu này sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, làm ảnh hưởng lớn tới thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhiều dự án, dự án thành phần thuộc 3 Chương trình MTQG và các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác chưa thể triển khai thực hiện được, vì lý do vướng vào diện tích quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản quặng bô xít. Do đó, nhiều dự án, thành phần dự án chậm tiến độ thực hiện, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn thuộc chương trình, ảnh hưởng chung đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan có giải pháp tháo gỡ để tỉnh Đắk Nông kịp thời triển khai thực hiện 03 Chương trình theo đúng tiến độ. Trong đó, khi quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần quan tâm cân đối hài hoài giữa việc khai thác, bảo vệ tài nguyên quốc gia với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, việc triển khai quy hoạch, nhất là kế hoạch khai thác bô xít cần phải xác định lộ trình cụ thể, rõ ràng, phù hợp để vừa đảm bảo việc quản lý đất rừng, diện tích che phủ rừng tại địa phương vừa bảo đảm ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân có đất nằm trong khu vực quy hoạch, khai thác khoáng sản. Tránh tình trạng người dân thì không có đất canh tác nhưng đất thì lại bỏ hoang thời gian dài và tạo điều kiện cho tỉnh triển khai thực hiện được và có hiệu quả các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nói chung và 3 Chương trình MTQG, nhất là việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông, trường học, công trình văn hóa, y tế, giáo dục, cơ sở tôn giáo, quy hoạch khu dân cư… mà diện tích đất quy hoạch, dự kiến để đầu tư, xây dựng đang nằm trong vùng quy hoạch khoáng sản.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa giữa cơ cấu, nhu cầu sử dụng đất tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, rừng và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.