Gia Lai: Số hóa nhiều dữ liệu thúc đẩy thu hút đầu tư
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 09:17, 23/10/2023
Nhằm cung cấp kịp thời cơ sở dữ liệu liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, giúp cho việc quản lý, khai thác được dễ dàng, thuận tiện cũng như cung cấp thông tin trực tuyến một cách đầy đủ cho các nhà đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ đã ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xây dựng WebGIS (còn gọi là bản đồ số) về phân bố các loại cây dược liệu chính của Gia Lai tại địa chỉ http://caythuocgialai.com.vn.
Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết: WebGIS cây dược liệu giới thiệu bản đồ phân bố dược liệu một cách chi tiết trên địa bàn các huyện, thị xã. Bên cạnh đó, WebGIS này còn có thông tin về hiện trạng công tác trồng cây dược liệu, các đề tài khoa học đã và đang triển khai liên quan đến cây dược liệu... của Gia Lai. Nhìn vào bản đồ số cây dược liệu, các nhà đầu tư có thể dễ dàng xác định được loại cây dược liệu lợi thế của từng vùng để có lựa chọn đầu tư phù hợp.
Các thông tin liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư đều được thể hiện cụ thể trên hệ thống cơ sở dữ liệu webGIS. Ảnh: Hà Duy |
Cũng liên quan đến công tác thu hút đầu tư, cách đây khoảng nửa năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đưa vào vận hành phần mềm dữ liệu WebGIS dự án đầu tư tích hợp phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh. Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư-cho hay: “Chỉ cần vài thao tác tra cứu, nhà đầu tư đã có đầy đủ thông tin, danh sách các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, bao gồm tên dự án, quy mô triển khai, tổng vốn dự kiến đầu tư… Thông tin về các thủ tục hành chính, những chính sách mới hay các luật sửa đổi, bổ sung, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư cũng được đăng rõ trên WebGIS này”.
Trước đó, cơ sở dữ liệu tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh cũng đã được xây dựng. Cơ sở dữ liệu này gồm 381 tên được liệt kê trong ngân hàng dữ liệu, gồm: 294 nhân vật lịch sử của dân tộc qua các thời kỳ; 26 nhân vật lịch sử của địa phương; 26 địa danh; 8 danh từ tiêu biểu; 25 sự kiện tiêu biểu và 2 tên gọi thuộc bản sắc văn hóa địa phương. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức sưu tầm, rà soát, lựa chọn tên để điều chỉnh, bổ sung vào cơ sở dữ liệu.
Nhiều cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh cũng đẩy mạnh số hóa dữ liệu liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý như: Sở Giao thông-Vận tải đã thực hiện đồng bộ khoảng 42.000 thông tin dữ liệu giấy phép lái xe đã cấp về Cục Đường bộ Việt Nam và công khai thông tin dữ liệu về giấy phép lái xe đã cấp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây dựng các dữ liệu về đất đai, quy trình kỹ thuật xử lý nội bộ đối với thủ tục hành chính đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã xác thực khoảng 1,2 triệu thông tin người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sở Tài chính đã xây dựng cơ sở dữ liệu về giá. Ban Dân tộc thì có Hệ thống thông tin và cở sở dữ liệu công tác dân tộc; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch có Cổng thông tin và cơ sở dữ liệu ngành du lịch. Thành Đoàn Pleiku xây dựng công trình thành niên “Số hóa các địa chỉ đỏ” với việc tích hợp thông tin các địa danh Di tích thắng cảnh Biển Hồ, Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku và Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú thành mã QR bằng 2 ngôn ngữ Việt-Anh…
Đoàn viên, thanh niên quét mã QR tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa. Ảnh: Phan Lài |
Anh Nguyễn Ngọc Long (trú tại số 469 Lê Đại Hành, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ: “Hiện tại, việc tra cứu các loại thông tin của Gia Lai đều khá dễ dàng, chỉ cần lên mạng tìm kiếm là ra. Tôi nghĩ mặc dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng công nghệ vẫn còn thiếu, nhưng chúng ta phải ghi nhận rằng Gia Lai đã có những nỗ lực nhất định để từng bước thúc đẩy phát triển mọi mặt”.
Năm 2023, Gia Lai đặt ra khá nhiều mục tiêu trong chuyển đổi số. Trong đó, đối với việc phát triển Chính quyền số, tỉnh phấn đấu tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50%; tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh đạt 100%. Đối với việc phát triển kinh tế số, tỉnh phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%. Còn đối với phát triển xã hội số, Gia Lai nỗ lực để đạt mục tiêu có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đạt 75% hộ gia đình, 100% cấp xã; tỷ lệ phủ sóng di động tới thôn/làng/tổ dân phố đạt 100%; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G hoặc 5G... Đồng thời, duy trì, triển khai có hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của TP. Pleiku.
Việc các đơn vị tích cực triển khai số hóa nhiều dữ liệu chính là hiện thực hóa Chương trình hành động số 921/UBND-CTHĐ của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) ban hành ngày 20-1-2022.
Nói về công tác chuyển đổi số của tỉnh, đồng chí Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Với quan điểm xuyên suốt là chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, phải thực sự tạo ra cơ hội, giá trị mới để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tỉnh xác định các lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân và doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để ưu tiên thực hiện”.