Chính trị

Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn

PV 21/10/2023 15:32

Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay (21/10).

Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng viện văn hóa nghệ thuật quốc gia; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học...

vinh-phuc1.png
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khánh Linh-Trà Hương

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; các doanh nghiệp, hộ dân tiêu biểu tham gia phát triển kinh tế tại các làng văn hóa kiểu mẫu.

Các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc và Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.

vinh-phuc2.png
Các đồng chí chủ trì hội thảo.Ảnh Khánh Linh-Trà Hương

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc. Do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện; diện mạo đô thị, nông thôn đã có sự thay đổi rõ rệt. Thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 22/12/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 15 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19 ngày 16/3/2023 về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025;

Việc xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu là điểm nhấn quan trọng về an sinh xã hội được Tỉnh uỷ, Ban thường vụ tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo với quan điểm “Mọi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế của tỉnh”. Với tinh thần đó, trong thời gian qua các cơ quan của tỉnh đã nỗ lực tham mưu ban hành cơ chế chính sách đến nay đã đầy đủ các điều kiện để triển khai việc đầu tư xây dựng các làng văn hoá kiểu mẫu theo mục tiêu đã đặt ra, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

vinh-phuc3.png
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Khánh Linh-Trà Hương

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh Vĩnh Phúc là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng, văn minh lúa nước với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Là vùng đất giàu bản sắc văn hóa và thiên nhiên ưu đãi cho Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú.

Toàn tỉnh có gần 1.500 di tích lịch sử văn hóa có giá trị cao về mặt kiến trúc, nghệ thuật. Vĩnh Phúc cũng là một trong những trung tâm nho học, với nền khoa bảng rực rỡ với 86 Tiến sĩ các đời, đã có cả một hệ thống văn miếu, văn chỉ, văn từ cùng những "Làng Tiến sĩ" nổi danh.

Vĩnh Phúc cũng được coi là “Đất trăm nghề” của xứ Đoài xưa, có nhiều làng nghề và nghề truyền thống. Hệ giá trị ấy đã và đang được lưu giữ, bảo tồn, phát triển và lan toả sức sống tại các làng, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, tạo dựng nên diện mạo một Vĩnh Phúc vừa mang hồn cốt chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang cốt cách riêng của miền quê văn hiến.

Nhận thức được hệ giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của quê hương được cha ông hun đúc từ đời này qua đời khác là động lực to lớn để các thế hệ hôm nay khát vọng đưa quê hương vươn lên. Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân.

Đặc biệt, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết số 15-NQ-TU ngày 12/12/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh ngày 16/3/2023 và các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đến năm 2030.

Quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào đời sống, phát huy được vai trò lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Đảng, nhà nước và tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cùng Nhân dân trong toàn tỉnh. Từ thực tiễn, mô hình các LVHKM trên địa bàn tỉnh đã phát triển, toàn diện, đồng bộ trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội. Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống. Cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý. Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản tạo nên diện mạo một làng quê văn minh, hiện đại chứa đựng văn hóa và văn hiến Việt Nam, thực sự trở thành nơi đáng sống.

Từ lý luận đến thực tiễn triển khai xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có những thành công, kết quả đó là nhờ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, vừa phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những cơ hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là nguồn lực từ niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

Hội thảo "Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn" được khai mạc với ý nghĩa có thêm cơ sở để đánh giá khách quan, toàn diện hơn về vị trí, vai trò, thành tựu và cả những hạn chế cũng như những ảnh hưởng của việc xây dựng LVHKM trong thời gian vừa qua, đồng thời có thêm những tài liệu khoa học cần thiết, những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, qua đó đúc rút những kinh nghiệm quý báu, làm bài học vận dụng vào thực tiễn để tiếp tục chuyển hóa thành mục tiêu, tầm nhìn dài hạn mang tính động lực phát huy sức mạnh tổng hợp gắn với phát triển nhanh, bền vững.

vinh-phuc4.png
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Khánh Linh-Trà Hương

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định đây là hoạt động thiết thực, có nhiều ý nghĩa đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa vào thực tiễn địa phương và Nghị quyết lần thứ XVII của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện mô hình LVHKM trên toàn quốc, đây là một cách làm mới trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Các kết quả bước đầu trong quá trình xây dựng LVHKM ở tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy tiềm năng nhân rộng của một sáng kiến độc đáo. Hội thảo được thực hiện ngay sau khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII kết thúc với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được thảo luận và quyết định.

vinh-phuc5.png
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Khánh Linh-Trà Hương

Đặc biệt, trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19- về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh với 6 yêu cầu đặc trưng cơ bản về: Cấu trúc tổ chức không gian và kiến trúc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; môi trường cảnh quan; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; đời sống văn hoá, tinh thần; và xây dựng hệ thống chính trị. HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết số 06 và 08/2023 với 14 tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu” và 16 cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện. UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã ban hành hàng trăm văn bản để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện.

Những cách làm hay, sáng tạo của Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; trong xây dựng nông thôn mới và nay là những ý tưởng tiên phong trong việc ban hành chủ trương, chính sách về xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, cho thấy Vĩnh Phúc là một tỉnh năng động, luôn chủ động, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để không ngừng phát triển.

vinh-phuc6.png
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Khánh Linh-Trà Hương

Xây dựng LVHKM ở tỉnh Vĩnh Phúc là một việc làm chưa có tiền lệ trong thời kỳ đổi mới, là sự sáng tạo, mạnh dạn đổi mới của tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc xây dựng, triển khai mô hình LVHKM cũng đứng trước những khó khăn, thách thức.

Hội thảo về chủ đề “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn” được tổ chức trong thời điểm này nhằm cung cấp những luận cứ về mặt lý luận, khoa học và thực tiễn, từ đó tham góp những ý kiến tư vấn, góp ý để quá trình xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo tính hiệu quả, thực chất, ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp.

Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu tập trung tổng kết, đánh giá mô hình xây dựng LVHKM; đánh giá hiệu quả, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng mô hình LVHKM; đề xuất cơ chế, chính sách và những giải pháp mang tính đột phá để việc xây dựng LVHKM đạt được mục tiêu đề ra; giới thiệu, chia sẻ bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng “Làng mới” ở các nước tiên tiến trong khu vực cũng như những cách làm hay, sáng tạo của các huyện thị, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh khi triển khai xây dựng LVHKM; thảo luận, nghiên cứu khả năng nhân rộng mô hình LVHKM trên địa bàn toàn tỉnh cũng như trên phạm vi cả nước.

Từ những kết quả bước đầu trong xây dựng mô hình LVHKM ở Vĩnh Phúc thời gian qua có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm không chỉ cho riêng Vĩnh Phúc mà có thể là những gợi ý quan trọng cho những địa phương, tỉnh thành khác đã và đang triển khai xây dựng mô hình LVHKM.

Đó là bài học về lựa chọn lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; bài học về sự đồng bộ trong xây dựng khung thể chế và tổ chức thực hiện; bài học về đặt lợi ích của người dân lên trước hết; bài học về tư duy đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết; bài học về phát huy lực lượng đoàn kết của nhân dân.

vinh-phuc7.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Khánh Linh-Trà Hương

Tại hội thảo, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng viện văn hóa và phát triển thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận nội dung khai thác và phát huy giá trị bản sắc văn hóa nông thôn trong xây dựng LVHKM ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.

Phiên thảo luận thứ nhất, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phân tích, làm rõ nội hàm về LVHKM, quan điểm xây dựng làng văn hoá kiểu mẫu, sự khác biệt giữa LVHKM tỉnh Vĩnh Phúc với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình tổ chức và hoạt động của các làng kiểu mới trên thế giới; vấn đề quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan làng văn hoá kiểu mẫu; phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng LVHKM; nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian tới.

Phiên thảo luận thứ 2, những nội dung về bố trí phân bổ nguồn lực của tỉnh Vĩnh Phúc để xây dựng LVHKM, giải ngân nguồn vốn để triển khai 16 chính sách hỗ trợ; giám sát việc triển khai thực hiện; vai trò của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp trong xây dựng LVHKM; phát huy nguồn lực di sản văn hoá, con người Vĩnh Phúc; những kinh nghiệm bước đầu triển khai LVHKM tại cơ sở đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đi sâu phân tích. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng nêu rõ mục tiêu, định hướng triển khai trong thời gian tới, người dân từ các LVHKM sẽ có được những bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục xây dựng các LVHKM tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

vinh-phuc8.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Khánh Linh-Trà Hương

Phát biểu tổng kết hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khái quát một số kết quả đạt được, hội thảo đã làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về xây dựng mô hình LVHKM với những đặc trưng cơ bản. Qua ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, cho thấy: Việc xây dựng mô hình LVHKM là một xu thế tất yếu khách quan dựa trên những thành tựu đạt được từ quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đồng thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống. Hội thảo đã phân tích, đánh giá thực trạng việc xây dựng mô hình LVHKM ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Qua đó, bước đầu làm rõ thực chất nội dung chủ yếu, các nguyên tắc và cách thức tổ chức, vận hành LVHKM.

Hội thảo cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng mô hình làng văn hóa; về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn gắn với phát triển bền vững ở một số quốc gia trong khu vực.

Qua những trao đổi, chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo cho thấy việc xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trong bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức từ những tác động của quá trình chuyển đổi mô hình xã hội; từ mặt trái nền kinh tế thị trường; quá trình hội nhập toàn cầu…

Vì thế việc xây dựng mô hình LVHKM cần phải xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại; giữa tăng tưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Hội thảo cũng đã thảo luận, gợi mở và đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bộ tiêu chí trong xây dựng mô hình LVHKM; về những khả năng có thể nhân rộng, triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh cũng như ứng dụng, triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Có thể thấy những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng mô hình LVHKM ở Vĩnh Phúc sẽ tạo cơ sở bước đầu quan trọng để các cơ quan, bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, từ đó tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong việc ban hành chủ trương, quyết sách mới về xây dựng LVHKM với những định hướng và bộ tiêu chí chung, thống nhất để làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện.

Những kết luận tại Hội thảo sẽ góp thêm những góc nhìn mới, đa chiều về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng LVHKM ở Vĩnh Phúc. Đây là những gợi mở hữu ích để Vĩnh Phúc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện về mặt cơ chế, chính sách, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện để sớm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra.

PV