Xung đột Hamas-Israel: Lãnh đạo nhiều nước sẽ dự hội nghị hòa bình

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:46, 20/10/2023

Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Quốc tế nhằm thảo luận các biện pháp giảm leo thang căng thẳng ở Gaza, giúp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và tiến tới giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

Xung dot Hamas-Israel: Lanh dao nhieu nuoc se du hoi nghi hoa binh hinh anh 1Khu lều tạm cho người tị nạn Palestine tại Khan Yunis, miền Nam Dải Gaza ngày 19/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo một số quốc gia đã xác nhận sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Quốc tế do Ai Cập đăng cai tổ chức vào ngày 21/10.

Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News Arabia ngày 19/10, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Quốc tế được tổ chức nhằm thảo luận các biện pháp giảm leo thang căng thẳng ở Dải Gaza, giúp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và tiến tới giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ thông qua giải pháp hai nhà nước.

Ông Shoukry nhấn mạnh việc tổ chức sự kiện quốc tế này phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình ở Dải Gaza.

Hãng Al Qahera New dẫn các nguồn tin cho biết đến thời điểm hiện tại, đại diện của Pháp, Hy Lạp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Iraq, Italy và Cộng hòa Cyprus đã xác nhận tham dự. Ngoài ra, lãnh đạo của Palestine, Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ dự sự kiện.

Trước thềm hội nghị, hàng loạt nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Hamas-Israel vẫn diễn ra dồn dập.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres ngày 19/10 đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại Cairo nhằm thảo luận các biện pháp giảm leo thang xung đột Israel-Hamas và thúc đẩy các điều kiện để hàng viện trợ nhân đạo đến được với người dân ở Dải Gaza đang trong tình trạng thiếu thốn nguồn cung thiết yếu.

Ông Guterres cho rằng sân bay El Arish của Ai Cập và Cửa khẩu Rafah là nguồn hy vọng duy nhất và là “phao cứu sinh” đối với người dân ở Dải Gaza lúc này.

Cũng tại Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi cùng ngày đã có cuộc hội đàm với Quốc vương Jordan Abdullah II để thảo luận về những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hòa bình và giảm leo thang. Thông báo của phủ Tổng thống Ai Cập cho biết cuộc gặp này tập trung thảo luận tình hình an ninh ngày càng xấu đi và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.

Trong ngày 19/10, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có một loạt các cuộc tiếp xúc ngoại giao nhằm tìm cách giảm leo thang xung đột Israel-Hamas.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang ở thăm Saudi Arabia, Thái tử Mohammed nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ người dân, đồng thời kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực có thể để giảm leo thang và đảm bảo bạo lực không lan rộng nhằm ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình trong khu vực và thế giới. Hai bên cũng nêu bật nhu cầu cấp thiết để hàng viện trợ nhân đạo tiếp cận Dải Gaza.

Nga cũng đang phối hợp với Trung Quốc để xử lý những vấn đề ở Trung Đông và Bắc Phi. Thông báo ngày 19/10 của Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này và Trung Quốc liên tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi.

Hôm 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với lãnh đạo nhiều nước Trung Đông, trong đó ông Putin kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức," đồng thời hối thúc các bên liên quan tiến hành đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay tại Dải Gaza.

Xung đột bùng phát từ hôm 7/10 đã khiến hàng nghìn người ở cả Israel và Dải Gaza thiệt mạng. Israel đã phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung nhu yếu phẩm và năng lượng cho vùng đất này.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại thủ đô Amman vào ngày 19/10, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết nước này lo ngại điều tồi tệ nhất sắp xảy ra khi không có dấu hiệu nào cho thấy những nỗ lực giảm căng thẳng trong xung đột Israel-Hamas đạt hiệu quả.

Ông cảnh báo cuộc xung đột có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong thời gian tới, đồng thời kêu gọi những nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông. Quan chức này nhấn mạnh ưu tiên trước mắt là tìm cách chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột ở Dải Gaza đồng thời cung cấp viện trợ nhân đạo đến người dân.

Hiện cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi tạo điều kiện để đưa hàng hóa cứu trợ từ bên ngoài qua cửa khẩu Rafah trên biên giới Ai Cập vào Dải Gaza. Đây là điểm duy nhất đi vào Gaza mà không nằm trong sự kiểm soát của Israel.

Các đoàn xe cứu trợ đang xếp hàng dài tại cửa khẩu khẩu biên giới Rafah của Ai Cập để chờ lệnh di chuyển vào Dải Gaza. Ai Cập khẳng định không đóng cửa khẩu Rafah mà những diễn biến tại thực địa và các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại Dải Gaza đã khiến hoạt động tại cửa khẩu bị ảnh hưởng.

Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 18/10, Tổng thống Ai Cập El-Sisi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục duy trì viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah.

Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Biden cho biết khoảng 20 xe tải chở hàng viện trợ sẽ được triển khai đến Dải Gaza, lưu ý rằng quá trình này sẽ cần sự phối hợp kéo dài nhiều giờ đồng hồ và dự kiến hàng viện trợ sẽ đến Gaza vào ngày 20/10./.

Nguyễn Hà-Văn Tùng-Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)