Di sản - Truyền thống

Vở diễn "Huyền thoại tuổi thanh xuân": Hãy sống một cuộc đời đáng sống

Báo Nhân Dân 19/10/2023 09:39

Câu chuyện 10 cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh anh dũng trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã đi vào lịch sử cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ra đi bên nhau ở tuổi mười tám, đôi mươi, dù cuộc đời ngắn ngủi, nhưng đáng sống, họ đã cùng làm nên huyền thoại tuổi thanh xuân bất tử của chính mình.

nhan-dan-2.png
Một cảnh trong vở diễn Huyền thoại tuổi thanh xuân. (Ảnh: Minh Giang)

Đó cũng là thông điệp vở diễn Huyền thoại tuổi thanh xuân mà tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mong muốn gửi đến thế hệ trẻ hôm nay.

Vở diễn Huyền thoại tuổi thanh xuân tái hiện vùng trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc năm 1968, trên tuyến đường huyết mạch 15A, nơi 10 nữ Anh hùng liệt sĩ tiểu đội 4-C552 TNXP đã sống, chiến đấu và hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm liên tục thông đường cho các đoàn xe chở vũ khí, lương thực từ miền bắc vào chiến trường miền nam.

Trong nắng khô, bụi mờ, rầm rập từng đoàn xe chở quân, chở hàng ra trận. Lộ rõ các thân cây cháy sém trơ trụi, mặt đường loang lổ vết bom đạn cày xới và vài căn hầm chữ A xiêu vẹo che tạm mành liếp, ngổn ngang bao đất, thùng đạn, lốp xe, phuy dầu, vỏ bom hoen gỉ. Hối hả dáng hình những cô gái tay cuốc, tay xẻng, vác đất vá đường bên chớp lòa ánh bom và tiếng gầm rú của máy bay trên bầu trời.

Trong bối cảnh khốc liệt ấy vẫn vươn lên những mầm xanh kiêu hãnh và thoang thoảng đâu đó điệu sáo quê hương tha thiết cùng chiêm chiếp tiếng gà con, tiếng côn trùng rỉ rả như một lời khẳng định sự sống kiên cường bám trụ trên vùng bình địa bị đạn bom san phẳng.

Không gian Ngã ba Đồng Lộc hiện ra trước mắt người xem, mặc dù khái quát nhưng vẫn đầy đủ sự gian khổ, ác liệt, phản ánh một giai đoạn bi tráng và hào hùng của dân tộc, tỏa sáng trong đó lý tưởng cao đẹp, lòng yêu nước và những giá trị nhân bản của con người Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Tác giả kịch bản và đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi đã được sinh ra đúng năm 1968, một năm mà dân tộc tôi đã phải đổ nhiều xương máu nhất, trong đó có sự hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc. Chúng tôi mãi mãi biết ơn họ và vở diễn Huyền thoại tuổi thanh xuân là sự tưởng nhớ thành kính dâng lên linh hồn thiêng liêng của các liệt nữ”.

Để viết nên một kịch bản chân thực, sống động về chiến công oanh liệt của các cô gái TNXP, đạo diễn Lê Quý Dương đã dày công nghiên cứu các tư liệu, gặp gỡ nhiều nhân chứng.

Trước khi dàn dựng, bản thân anh cùng các cộng sự, diễn viên và Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vào thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và chuyên chở năm tấn đất từ vùng chiến trường xưa ra Hà Nội, đóng vào các bao tải lớn nhỏ để bố trí cảnh trí sân khấu, bởi như đạo diễn cho biết: “Mỗi tấc đất nơi đây có dấu vết đạn bom và lẫn xương máu của hơn 4.000 liệt sĩ đã hy sinh trên vùng trọng điểm. Tôi muốn tạo nên cảm xúc chân thực và sâu lắng nhất cho các diễn viên trẻ khi diễn trên chính những lớp đất của Ngã ba Đồng Lộc, giúp họ trải nghiệm và ý thức được chương trình không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là tâm nguyện tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc”.

Kịch bản vở Huyền thoại tuổi thanh xuân không mang tính tổng thể của một tác phẩm sân khấu thường thấy, không có những tuyến nhân vật rõ nét hay các xung đột, nút thắt, nút mở cao trào mà được dẫn dắt theo “lời thì thầm” của người kể chuyện do Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc thể hiện mang đến một góc nhìn mới.

Ảo ảnh của một đời sống chiến trường khốc liệt có thật, đã trở thành huyền thoại, đang từ dĩ vãng hiện về với người xem. Nhân vật hiển hiện như nguyên bản sống cùng khán giả, chia sẻ với họ những mong muốn, những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm. Bức tranh phác thảo chân dung các nữ liệt sĩ trong cuộc sống đời thường và trong chiến đấu được tái hiện qua từng chi tiết, hoàn cảnh, từng sự kiện, tình huống.

Mỗi người đều mang những điểm nhấn khắc họa tính cách, tâm lý riêng, có sự rắn rỏi, chững chạc, có cả mối tình thầm kín nảy nở, những mộng mơ, vụng dại con gái, nét yếu đuối nữ tính, sự tếu táo, vui đùa tuổi trẻ và cả những cãi cọ, giận hờn thất thường của tuổi mới lớn. Nhưng trong họ luôn có điểm chung là sự hồn nhiên, yêu đời, sống có lý tưởng, sự nhẫn nại, dịu dàng và đảm đang, kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Họ như những bông hoa tỏa sáng đến nao lòng, một vẻ đẹp kiêu hãnh, tự tôn, bình tĩnh giữa mưa bom, bão đạn và chết chóc của chiến tranh. Một vẻ đẹp mà không kẻ thù nào có thể khuất phục.

Với dung lượng thời gian 70 phút, vở Huyền thoại tuổi thanh xuân cấu trúc chặt chẽ, gọn gàng, đã biết chọn những tình huống điển hình dựa trên những nguyên mẫu có thật để hình thành nên một cốt truyện dẫn dắt hợp lý cùng ngôn ngữ đối thoại sinh động mang âm sắc miền trung uyển chuyển, song vẫn dễ hiểu, dễ nghe.

Một khoảng lặng trữ tình, trào dâng cảm xúc là hình ảnh những cô gái TNXP trong lớp múa mơ thấy mình hóa thành những cánh chim bay lên tìm về quê hương yêu dấu, gợi nhớ hình tượng đàn sếu trắng trong ca khúc Liên Xô thuở nào.

Xuyên suốt vở diễn và để lại nhiều suy ngẫm, là hình ảnh cô gái nhỏ Võ Thị Hợi vun trồng những mầm xanh bồ kết trong hom đất, mong chờ nó nảy mầm cùng mơ ước ngày hòa bình, thống nhất đất nước, những mầm xanh ấy sẽ phủ kín những vạt đất trần trụi, lở loét bởi đạn bom.

Từng chi tiết đan xen được đạo diễn dụng công thực hiện đều mang ý nghĩa, không nhạt nhòa chìm lẫn trong bức tranh chung, vừa có tính bao quát, tạc khắc nên từng số phận cụ thể trong cuộc chiến đầy bi tráng, giúp người xem hiểu được sức mạnh nào đã giúp chúng ta đi tới ngày toàn thắng.

Vở diễn Huyền thoại tuổi thanh xuân ghi nhận những đổi mới trong dàn dựng thể hiện xu thế đang hiện hữu của sân khấu Việt Nam bắt nhịp với sân khấu thế giới, không câu nệ trong những khuôn thước rạp hát truyền thống hay bài trí hoành tráng.

Bối cảnh không gian chiến trường được tái hiện phần nào bằng công nghệ ánh sáng, hình ảnh hiệu ứng 3D, sử dụng tổng hợp các loại hình nghệ thuật, phù hợp bối cảnh bảo tàng và nếu nhìn rộng ra thì như một chương trình nghệ thuật sắp đặt để tham quan khi không trình diễn.

Ghế ngồi của khán giả cũng chính là những hòm đạn pháo, giúp họ được trải nghiệm, hòa vào sân khấu như đang sống trong không khí của những ngày tháng chiến tranh, giữa không gian chiến trường nơi Ngã ba Đồng Lộc.

Đây cũng là một phần của vở diễn trong sự tương tác với diễn viên khi chung quanh rầm rập tiếng quân đi, tiếng xe tăng ga vượt trọng điểm, tiếng bom nổ ì ầm và vang vọng lời bài ca mở đường của các cô gái.

Dàn dựng vở diễn không chỉ là tình cảm và sự biết ơn, đạo diễn Lê Quý Dương mong muốn lan tỏa thông điệp mang ý nghĩa giáo dục đến thế hệ trẻ hôm nay: “Một đời người sống được bao nhiêu tuổi không quan trọng mà ý nghĩa là ở từng giây, từng phút cuộc sống đó thật sự có ích. Hãy sống một cuộc đời đáng sống, cống hiến được nhiều nhất cho Tổ quốc, để không phải ân hận và không phụ sự hy sinh của những thế hệ đi trước để chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay”.

Báo Nhân Dân