An sinh - Cuộc sống

Phụ nữ Đắk Nông khẳng định vai trò, vị thế trong thời đại mới

Đức Diệu 20/10/2023 05:56

Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Đắk Nông nói riêng tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của mình đối với sự phát triển của xã hội.

Sau gần 20 năm kể từ ngày Đắk Nông tái lập, bộ mặt từ đô thị đến nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Vị thế của một tỉnh phía Nam trên Cao nguyên M’nông ngày càng được nâng cao trong khu vực và cả nước. Có được thành quả đó, nhân tố con người đóng vai trò quyết định, trong đó, phải khẳng định vai trò đặc biệt của phụ nữ Đắk Nông trong việc chung sức, đồng lòng, phát huy trí tuệ, nhiệt huyết và những ưu thế “trời ban” cho công cuộc kiến thiết, xây dựng tỉnh nhà.

Vai trò hạt nhân trong gia đình

Cũng như phụ nữ trong cả nước, phụ nữ Đắk Nông trong một thời gian dài phải “gánh trên vai” định kiến xã hội từ thời phong kiến. Quan niệm cổ hủ trọng nam khinh nữ như là “sợi dây” vô hình níu chân phụ nữ tiến thân, thể hiện vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội suốt một thời kỳ dài.

nong-dan(1).jpg
Ngày càng nhiều phụ nữ sản xuất giỏi

Nhiều năm trở lại đây, khi nói về vai trò của phụ nữ, phái mạnh đã có sự nhìn nhận và công nhận khách quan hơn trước, nhất là so với thời phong kiến. Hình ảnh người phụ nữ lầm lũi, ít được trao quyền tự quyết, định đoạt công việc, số phận bản thân như trước đây, nay đã khác. Đó là “Nam - Nữ bình quyền”.

Trên thực tế, dù ở thời kỳ nào, với những tố chất, thế mạnh của người phụ nữ, trong gia đình, phụ nữ thường là vai trò hạt nhân trong giáo dục con cái, giữ lửa cho mái ấm gia đình. Tuy nhiên, tùy quan điểm của thời đại, vai trò đó được nhìn nhận, đánh giá ở mức độ khác nhau. Trong thời đại ngày nay, không thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình - tế bào của xã hội.

Có một xã hội vững mạnh, cần có những tế bào khỏe mạnh. Trong đó, người phụ nữ được xem là vai trò hạt nhân trong giáo dục con cái, giữ gìn văn hóa truyền thống trong gia đình và người “giữ lửa” cho tổ ấm. Phụ nữ Đắk Nông, dù dân tộc nào cũng đều mang trong mình thiên bẩm cần cù, chịu khó, duyên dáng và năng động. Cộng thêm thiên chức làm mẹ, người phụ nữ Đắk Nông luôn khẳng định vai trò đặc biệt của mình trong gia đình.

Xã hội hiện đại, với tiến bộ khoa học kỹ thuật, phụ nữ Đắk Nông cũng đã nhanh chóng bắt nhịp, ứng dụng những thành tựu đó để giải phóng sức lao động, dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập và các hoạt động xã hội.

Trách nhiệm với xã hội

Những năm gần đây, khi nhắc đến một công việc, vị trí hay vấn đề nào đó, chúng ta đã không nhắc nhiều đến cụm từ nam hay nữ. Sự phân biệt đó có chăng cũng để chỉ về giới tính, những “nửa kia” của xã hội. Điều này thể hiện nam giới cũng đã và đang thay đổi quan niệm, cách nhìn nhận về vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, để có được bước tiến dài về bình đẳng giới, trước hết, mỗi bản thân người phụ nữ đã tự khẳng định vai trò, vị thế của mình bằng sự đóng góp trí tuệ, công lao cho gia đình, xã hội.

Sự công nhận và khẳng định vai trò của phụ nữ Đắk Nông trong những năm qua trước hết từ quan điểm về chủ trương, đường lối của Đảng bộ tỉnh, các cấp, ngành trong vấn đề bình đẳng giới. Hàng loạt đầu việc được triển khai trong toàn hệ thống chí trị nhằm đẩy nhanh lộ trình bình đẳng giới, tạo thêm nhiều cơ hội, điều kiện cho phụ nữ Đắk Nông thể hiện vai trò, bản lĩnh của mình ở các lĩnh vực.

Đơn cử, trong công tác cán bộ của Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm trong tất cả các khâu, từ đào tạo, quy hoạch đến bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Việc tăng cường công tác cán bộ nữ không phải chỉ để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng và công nhận năng lực của phụ nữ hướng đến mục tiêu bình đẳng, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

anh-thanh-hai-5(1).jpg
Với lợi thế của mình, phụ nữ Đắk Nông đang khẳng định vai trò vượt trội trên một số lĩnh vực so với nam giới (Ảnh: Thanh Hải)

Nhờ sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, công tác cán bộ nữ của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt 13,36%, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp, đại biểu Quốc hội, HĐNĐ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tăng so với nhiệm kỳ 2015-2020. Toàn tỉnh có 48/299 cán bộ nữ tham gia ban Chấp hành đảng bộ cấp huyện, trong đó có 26 nữ dân tộc thiểu số; 19 nữ dưới 40 tuổi. Toàn tỉnh có 11 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ cấp huyện; 6 huyện, thành phố có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên...

Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm, giao trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh, sở, ngành và các địa phương. Hầu hết các cán bộ lãnh đạo nữ đã thể hiện được trách nhiệm, năng lực trong công tác.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Đề án số 03 “về tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Mục tiêu Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng đến là xây dựng đội ngũ cán bộ trong đó có cán bộ nữ chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, bảo đảm tính kế thừa, hướng đến sự tham gia tích cực, bình đẳng của phụ nữ trong các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới.

Đắk Nông đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 15% trở lên; cán bộ nữ tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 15% trở lên và có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giai đoạn 2025 – 2030, tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 20% trở lên; cán bộ nữ tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 20% trở lên và có từ 10% trở lên cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giai đoạn 2030 – 2035, tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 25% trở lên; phấn đấu cán bộ nữ tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 20% trở lên và có từ 15% trở lên cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Không chỉ tham gia công tác vào hệ thống chính trị, phụ nữ Đắk Nông cũng đã và đang khẳng định vai trò, vị thế trên nhiều mặt trận như phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ, nhóm làm kinh tế mà người đứng đầu là nữ. Một số nữ doanh nhân, chủ hợp tác xã đã phát huy tính sáng tạo, nhạy bén với thương trường, được xã hội, Nhà nước công nhận, vinh danh.

vs.ducan.9.23.d.hien-1-.jpg
Trao tặng mô hình sinh kế, hỗ trợ chị Nguyễn Thị Sợi, ở TDP 8, thị trấn Đức An (Đắk Song) để chăn nuôi gà, phát triển kinh tế

Không những thế, phát huy những lợi thế so với nam giới, phụ nữ Đắk Nông trong những năm qua còn đóng vai trò chủ lực trong các hoạt động xã hội như từ thiện, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tuyên truyền, vận động người thân, gia đình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Phụ nữ cũng là hạt nhân cố kết gia đình, cộng đồng, xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Sau gần 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, Đắk Nông đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phát bằng việc phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, nội sinh của các cộng đồng dân tộc; cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và nguồn lực bên ngoài trên nền tảng những kết quả đã đạt được. Có được sự thành công hay không, gần một nửa cơ hội đặt lên vai phụ nữ.

Với truyền thống “Kiên cường - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Đắk Nông tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi, năng động học tập, sáng tạo để đóng góp nhiều hơn cho gia đình, xã hội.

Đức Diệu