Đất và người Đắk Nông

H’Juel - người đưa rượu cần M’nông vươn xa

Bảo Ngọc - Mẫn Doanh 20/10/2023 05:52

H’Juel tâm huyết đưa rượu cần, thổ cẩm, sản phẩm đan lát, ẩm thực… của người M’nông vươn xa hơn. Cô gái M’nông H’Juel ở phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) không ngừng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để đạt được mong ước ấy…

Nỗ lực học lấy những cái tinh túy

H’Juel cũng không biết từ khi nào mà rượu cần, thổ cẩm “cuốn” lấy mình. H’Juel nhớ, hơn 10 năm trước, bên bếp lửa bập bùng, chị ngồi với mẹ chồng ủ ché rượu đầu tiên của mình. Mẹ chồng chị là người có tiếng ủ rượu ngon. Bà động viên chị hãy tự mình trộn cơm rượu để ủ. Vì muốn vị ngọt hay đắng cay nhiều tùy thuộc vào tỷ lệ trộn nguyên liệu khác nhau. Mẹ chị bảo, rượu M’nông phải ủ làm sao cho có vị đắng, cay, ngọt nhưng không chua. Vậy là đêm đó, chị và mẹ chồng ủ riêng mỗi người một ché khác nhau.

Hơn 1 tháng sau, vào dịp gia đình sum họp dịp lễ cúng, họ hàng đến uống rượu thấy ngon và hỏi ai làm? Đó là ché rượu đầu tiên H’Juel ủ được. Từ đó, các bác, các cô dặn H’Juel ủ dùm rượu cần. Rồi chị làm cho gia đình để cất dùng những ngày có lễ cúng và sum họp. Gia đình họ hàng chị không cần phải đi tìm mua rượu cần ngon ở những nơi khác nữa.

H’Juel nhận thấy những nét văn hóa truyền thống của người M’nông đang bị mai mọt. Lớp trẻ không còn biết cách làm rượu cần. Vì các nguyên nhân khác nhau, nhiều gia đình cũng bỏ nghề. Ché rượu cần nhiều nơi bán không còn giữ được hương vị truyền thống M’nông nữa. Trăn trở với những suy nghĩ ấy, H’Juel quyết định phải giữ nghề và khởi nghiệp từ chính điều ấy. Chị mong muốn mở rộng thị trường, giới thiệu được sự độc đáo của văn hóa M’nông đến nhiều người hơn. Chị nghĩ rằng, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Nếu bây giờ không bắt đầu làm thì đến bao giờ?

phat-ngon-t7.png

Càng làm, càng tìm hiểu, H’Juel lại nhận ra cái hay, cái đẹp. Chị rất đỗi ngạc nhiên trước những kiến thức về thiên nhiên, cuộc sống, kinh nghiệm mà ông cha tích lũy cả ngàn năm mới có được. Từ đó, chị thêm yêu thích và đam mê với việc làm rượu cần. Không quá đặt nặng vấn đề kinh tế, nhưng từ sự yêu thích và nhanh nhạy của mình về triển vọng từ những ché rượu cần, H’Juel theo nghề làm rượu cần một cách bài bản.

H’Juel giữ sự độc đáo của rượu cần M’nông với cách làm men rượu từ lá, vỏ cây rừng mang lại chất lượng, hương vị thơm ngon. Chị thường theo các bác, các cô vào rừng hái lá, vỏ cây về làm men rượu. Mỗi chuyến đi, H’Juel lại học được thêm cách phân biệt các loại lá, cách lấy vỏ cây làm sao không để cây chết, không tận diệt.

t7.3(1).jpg
H’Juel theo gia đình lên rừng tìm các loại nguyên liệu làm men rượu cần

Với H’Juel, rượu cần không chỉ là thức uống mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa và sự tinh túy trong văn hóa M’nông. Đơn cử như việc uống rượu cần phải uống tập thể, tạo sự kết nối, thể hiện sự đoàn kết, bình đẳng trong gia đình, cộng đồng. Những ché rượu cần được H’Juel làm tỉ mỉ, có chất lượng cao, màu vàng sánh, ngon ngọt, hương vị nồng nàn khác biệt. Tất cả hương vị của núi rừng được khéo léo quyện vào từng bánh men. Để đến khi thưởng thức, bao nhiêu hương vị ấy lại hiển hiện trọn vẹn.

t7.2(1).jpg
H’Juel làm men rượu cần bằng lá, vỏ cây rừng

Sáng tạo để vươn xa

H’Juel nói, mục đích không chỉ là giữ ché, giữ nghề mà còn phải tiến tới làm du lịch cộng đồng. Vì vậy cần đa dạng về thổ cẩm, ẩm thực, sản phẩm đan lát… như một phần M’nông thu nhỏ. Chị cùng gia đình thành lập Công ty TNHH MTV LENG GUNG chuyên sản xuất, cung cấp sỉ lẻ rượu cần; đọt mây; lá bép; cơm lam; gà nướng; vải thổ cẩm truyền thống; các sản phẩm mây tre đan… Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá, đưa văn hóa M’nông đến nhiều người hơn.

H’Juel tự mày mò, nghiên cứu, làm rượu cần bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như nếp cẩm, nếp cái hoa vàng, gạo lứt, gạo tẻ… để cung cấp cho thị hiếu và nhu cầu của từng đối tượng tiêu dùng. Rượu cũng được trộn ủ với các công thức, tỷ lệ khác nhau để tạo nên nhiều hương vị. Ví dụ một số ché rượu sẽ có vị ngọt đậm phù hợp cho phụ nữ dùng. Còn đàn ông thích những ché rượu có vị đầm hơn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị còn phát triển sản phẩm rượu cần ống tre, được khách hàng phản hồi tích cực. Sản phẩm của chị đã vượt ra khỏi phạm vi thị trường trong tỉnh Đắk Nông, đến tay người tiêu dùng các tỉnh như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…

H’Juel thực hiện ý tưởng đăng bán trên các kênh mạng xã hội kèm theo các câu chuyện văn hóa của người M’nông gắn kết với rượu cần. Để người mua, người uống hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa, cách sử dụng… của rượu cần M’nông. Bán rượu không phải để người uống say xỉn mà uống để gắn kết. Với chị, rượu cần phải mang giá trị văn hóa giao tiếp tinh thần sâu sắc.

t7.4(1).jpg
H’Juel tự hào khi giữ và phát huy được nghề làm rượu cần truyền thống M'nông

H’Juel cũng khắc phục những hạn chế của rượu cần M’nông khi đưa vào kinh doanh. Ví dụ như việc khi uống mới bỏ lá theo nguyên tắc người M’nông để thể hiện sự đón khách, hiếu khách. Chị dùng phương thức thay bằng một số loại lá phơi khô như mít, ổi, chuối… H’Juel cho biết: “Khi bán rượu phải theo khách đến cùng. Ngoài hướng dẫn cách sử dụng, sẽ hỏi khách uống như thế nào, cảm giác, đánh giá để biết mà khắc phục những cái chưa tốt, chưa ngon, chưa phù hợp. Nhiều khách uống xong còn liên hệ không vứt ché đi mà gửi ché lại để ủ tiếp… Mặc dù là kinh doanh nhưng không phải đặt tiền lên trên mà phải gắn với nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nữa”.

Không chỉ có rượu cần, H’Juel xác định làm du lịch thì các sản phẩm thổ cẩm cũng phải hợp lý, giá thành phải rẻ hơn. Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống không còn phù hợp với cuộc sống hằng ngày. Trong khi đó, một tấm vải hay bộ áo váy dệt theo truyền thống thì giá cao, rất khó bán. Chị mong muốn giới thiệu văn hóa, hoa văn thổ cẩm nhưng sản phẩm phải làm sao để khách hàng dễ tiếp cận, dễ mua. Vì vậy, chị nghĩ đến các sản phẩm thời trang khác gắn với thổ cẩm như làm ví, kẹp tóc, quà lưu niệm… H’Juel nghĩ đến việc kết hợp với công nghệ may đan chứ không chỉ dệt. Chị móc thổ cẩm vào các phôi ví có sẵn hoặc kẹp tóc… Các sản phẩm thủ công chị làm hầu như chỉ có bản duy nhất, giá cả lại phù hợp nên được khách hàng chọn lựa nhiều hơn. Sản phẩm còn được chị giới thiệu và gửi bán ở các điểm du lịch, farm trong tỉnh như Nông trại Phượng Vân, Dương Gia Trang, Ngô Gia Trang, Robin…

t7.1.jpg
H’Juel tận dụng lợi thế mạng xã hội để giới thiệu các sản phẩm thời trang làm từ thổ cẩm M’nông

Từ khi rượu cần và thổ cẩm “cuốn” lấy mình, H’Juel có sự gắn kết với những người đam mê, giữ nghề truyền thống M’nông. Không chỉ động viên, giúp đỡ nhau, mọi người tạo mối liên kết các sản phẩm thời trang từ thổ cẩm để khi có khách hàng cần sẽ đủ khả năng cung cấp từ vải, áo váy, mũ, ví, giày dép… Với sự năng động của mình, H’Juel còn được một số hãng thời trang nổi tiếng tìm đến kết nối liên quan đến thổ cẩm và thời trang thổ cẩm. Đó là những thành quả, tín hiệu tích cực với cô gái M’nông tận tâm với văn hóa dân tộc mình.

H’Juel hy vọng, không chỉ các tổ hợp tác, tỉnh Đắk Nông sẽ quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên quan đến lĩnh vực phát huy giá trị văn hóa của đồng bào bản địa và phát triển du lịch cộng đồng.

Bảo Ngọc - Mẫn Doanh