OCOP góp phần nâng tầm giá trị nông sản Đắk Nông
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 23:32, 18/10/2023
Nâng tầm sản phẩm chủ lực
Chỉ với 35 thành viên tại thời điểm thành lập vào năm 2018, đến nay Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (huyện Đắk Song) đã phát triển lên hơn 200 thành viên. Hợp tác xã đã tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ trên diện tích gần 1.000 ha.
Từ việc canh tác hồ tiêu theo cách truyền thống, toàn bộ các thành viên đều được bộ phận hướng dẫn kỹ thuật của hợp tác xã tập huấn quy trình canh tác tiêu hữu cơ; biện pháp kiểm soát môi trường; chuyển đổi từ sử dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ sang sản xuất sạch theo hướng hữu cơ bền vững; sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường; quy trình thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch cũng được áp dụng các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn... cho nên đã tạo ra được chuỗi sản phẩm tiêu hữu cơ giá trị cao, với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đầu ra ổn định trên thị trường.
Hiện nay, quy trình sản xuất và các sản phẩm từ hạt tiêu của hợp tác xã đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, có 195,6 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU, JAS, Canada và chứng nhận sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ quốc gia OCOP 3 sao. Hằng năm, hợp tác xã duy trì việc đánh giá chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Control Union với 150 ha tiêu hữu cơ Việt Nam. Mỗi năm hợp tác xã xuất khẩu từ 200-300 tấn hồ tiêu hữu cơ. Chất lượng sản phẩm đạt giá trị cao, được thị trường trong nước và thế giới đón nhận, giá trị sản phẩm tăng gấp hai lần.
Cùng với hồ tiêu, cà-phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông, với diện tích hơn 130.000 ha, sản lượng đạt khoảng 340.000 tấn/năm. Khi Chương trình OCOP được triển khai, các nông hộ, hợp tác xã, chủ thể sản xuất rất tích cực hưởng ứng, chủ động thay đổi thói quen canh tác, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái quả và chế biến cà-phê theo các tiêu chuẩn; tổ chức các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo ra sản phẩm lớn, đồng đều về giá trị và chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ và đáp ứng các yêu cầu thị trường xuất khẩu. Đến nay, cà-phê đang dẫn đầu sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP nhiều nhất với 17 sản phẩm.
Sau khi đạt chuẩn OCOP, các chủ thể không ngừng nâng cấp, tiếp tục phát triển các sản phẩm về chất lượng và mẫu mã, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế... nhằm từng bước tìm hướng đi hợp lý trong sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm cà-phê chất lượng cao. Giám đốc Hợp tác xã Tin True Coffee Hồ Trọng Tín cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm, giá bán cho các xã viên, ngoài việc sản xuất và thu hoạch theo các tiêu chuẩn, hợp tác xã đã đầu tư vào khâu chế biến sâu sản phẩm cà-phê nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm sạch và hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu; góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, nâng tầm chất lượng và giá trị của cà-phê Đắk Nông.
Xếp sau cà-phê là mắc ca với sáu sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Từ 2 ha mô hình khảo nghiệm năm 2010, đến nay mắc ca đang dần trở thành cây trồng chủ lực của Đắk Nông với khoảng 3.500 ha. Nhận thấy tiềm năng, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn và giá trị dinh dưỡng từ hạt mắc ca, nhiều cơ sở đã đầu tư thiết bị chế biến sâu hạt mắc ca cung cấp cho thị trường. Riêng trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có tám cơ sở, hai đại lý thu mua, sơ chế, chế biến hạt mắc ca. Huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã sản xuất và thu mua hạt mắc ca ở xã Quảng Trực. Có hai sản phẩm hạt mắc ca sấy khô của hai cơ sở chế biến trên địa bàn được chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Huyện có 70 ha mắc ca của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Điển hình, năm 2019 bà Tôn Nữ Ngọc Như (xã Đắk Búk So) đã chủ động liên kết với nhiều hộ canh tác cây mắc ca tại địa phương để hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời đầu tư hơn 500 triệu đồng mua máy sấy, máy tách hạt nhằm tạo nên chuỗi quy trình chế biến hạt mắc ca. Nhờ vậy, sản phẩm mắc ca sau chế biến của bà Như hiện nay đã tăng giá trị từ 20-35% so với trước, được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao...
Mở rộng đầu ra trên thị trường
Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có bảy sản phẩm đạt 4 sao, 53 sản phẩm đạt 3 sao, hai sản phẩm đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ thể hoàn thiện hồ sơ để tỉnh Đắk Nông trình cơ quan thẩm quyền xem xét đánh giá hạng 5 sao.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được người dân hưởng ứng tích cực và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa. Các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình cũng đã nâng tầm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, giúp chủ cơ sở tiếp cận với quy trình chế biến sâu, đầu tư nghiêm túc cho kinh tế nông nghiệp.
Các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mang đặc trưng gắn với văn hóa và tri thức địa phương. Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang đầu tư công nghệ, tạo ra đa dạng sản phẩm, áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, hướng đến xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm OCOP hiện nay không chỉ được bán với hình thức trực tiếp tại các chuỗi cung ứng OCOP, siêu thị, xuất khẩu… mà còn được bán qua sàn thương mại điện tử, mang lại doanh thu cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.
Tỉnh Đắk Nông đã cụ thể hóa Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của Trung ương bằng việc ban hành Kế hoạch số 653 về việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt hơn 90 sản phẩm, trong đó ít nhất 10% sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn; gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Để đạt được kế hoạch, Đắk Nông tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm và chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kiến thức; tổ chức quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương; hỗ trợ về khoa học và công nghệ, nâng cao quy trình; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Xuân Đông cho biết, Sở đã phối hợp, cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông về các hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, nhất là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, các ngành chức năng đã hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử gần 700 sản phẩm; trong đó có 60 sản phẩm OCOP. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin hơn 111 nghìn hộ, đạt hơn 92,8%.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Đắk Nông sẽ thực hiện theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, nhất là sản phẩm đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Các ngành, địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.