Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:30, 18/10/2023
Chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới năm nay, “Nước là cuộc sống, nước là thức ăn. Không để ai bị bỏ lại phía sau!”, nhấn mạnh tầm quan trọng của nước với vấn đề lương thực toàn cầu và phát đi thông điệp bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chu trình tự nhiên của nước thay đổi và gây ra những đợt hạn hán nghiêm trọng. Nhiều hồ chứa nước ngọt, sông suối trên thế giới dần cạn kiệt. Ô nhiễm nguồn nước sạch ngày càng trầm trọng.
Theo báo cáo của FAO, lũ lụt, bão, hạn hán, côn trùng phá hoại... đã gây thiệt hại khoảng 123 tỷ USD mỗi năm về sản lượng lương thực từ năm 1991 đến năm 2021.
Tại Ấn Độ, tháng 8/2023 là tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ qua, khi tình trạng mưa ít kéo dài trên khắp các khu vực lớn và ảnh hưởng đến sản lượng nhiều loại cây trồng, từ lúa gạo đến đậu tương. Điều này đã đẩy giá lương thực tăng cao.
Số liệu chính thức cho thấy, lạm phát bán lẻ ở Ấn Độ trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng. Còn ở Italia, những đợt nắng nóng gay gắt trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua cũng khiến mực nước sông, hồ giảm mạnh, tác động tiêu cực đến sản lượng cây trồng. Hiệp hội Nông dân quốc gia Italia nhận định, năm nay, sản lượng lúa mì sụt giảm 10%, nho làm rượu vang giảm 14% và lê giảm 63% so với năm 2022.
Theo Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD), hơn 83 nghìn người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và hạn hán nghiêm trọng nhất, đặc biệt là ở Somalia và Nam Sudan.
Dù chỉ chiếm khoảng 3% lượng phát thải toàn cầu, Lục địa Đen phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu tồi tệ hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, khoảng 190 triệu trẻ em tại châu Phi đối mặt với ba nguy cơ cùng lúc liên quan nước, bao gồm tiếp cận nguồn nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân.
Nhân Ngày Lương thực thế giới năm nay, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc cho biết, với khoảng 70% tổng lượng nước ngọt trên thế giới hiện được sử dụng cho nông nghiệp, việc con người thay đổi cách thức sản xuất thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác là nhiệm vụ quan trọng nhất để bảo vệ nguồn nước ngọt.
FAO khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia đầu tư cho các biện pháp quản lý nước hiệu quả và sáng tạo, như công nghệ tưới tiêu và lưu trữ nước hiện đại, các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học để giải quyết tình trạng khan hiếm nước và ứng phó lũ lụt. FAO đang thúc đẩy cơ giới hóa để cải thiện cơ sở hạ tầng nước và hỗ trợ các hộ nông dân ở khu vực Sahel của châu Phi tiếp cận nguồn nước.
Các chuyên gia hiện cũng nghiên cứu việc sử dụng công nghệ hiện đại để giúp nông dân giải quyết thách thức về nông nghiệp, do họ gặp khó khăn trong việc tới những nông trại xa xôi để tư vấn cho nông dân về hệ thống cây trồng phù hợp và quản lý vụ mùa.
Với Farmer.CHAT, một ứng dụng chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dùng trên điện thoại di động, nông dân sẽ dễ dàng tiếp cận được những kiến thức về quản lý vụ mùa, cải thiện tưới tiêu, kiểm soát thuốc trừ sâu..., qua đó phát triển mùa màng có sức chống chịu tốt hơn trước thiên tai. Bên cạnh việc đổi mới hoạt động nông nghiệp, quyết liệt giải quyết các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu cũng là yếu tố cốt lõi để bảo vệ tài nguyên nước.
Tình trạng mất an ninh nguồn nước sẽ dẫn đến bất ổn an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh năng lượng; ảnh hưởng đến phát triển đô thị và kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội khác. Nước là tài nguyên quý giá, bảo đảm an ninh nguồn nước chính là bảo vệ tương lai của nhân loại.