Xung đột Hamas-Israel: Jordan lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:37, 17/10/2023
Người dân Palestine sơ tán khỏi thành phố Gaza nhằm tránh xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 17/10, Quốc vương Jordan Abdullah II đã cảnh báo về tình hình khốc liệt tại khu vực Trung Đông nếu xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas lan sang các nước khác.
Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ đô Berlin, Quốc vương Abdullah II đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực không để toàn bộ khu vực chìm trong xung đột.
Về phần mình, Thủ tướng Scholz khẳng định hai bên đang cùng chung mục tiêu là ngăn thảm họa trong khu vực.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Scholz sẽ tới Israel trong ngày 17/10. Ông sẽ là lãnh đạo chính phủ nước ngoài đầu tiên tới Israel kể từ xung đột với Hamas nổ ra vào ngày 7/10 vừa qua.
Cùng ngày, theo hãng tin Reuters, người phát ngôn của quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht xác nhận quân đội nước này đang sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tấn công nhằm vào Dải Gaza.
Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Israel Daniel Hagari xác nhận quân đội đã trình kế hoạch tác chiến lên nội các Israel.
Israel đang chuẩn bị một chiến dịch tấn công nhằm vào Dải Gaza do Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát nhằm đáp trả cuộc tấn công của lực lượng này vào miền Nam Israel vào ngày 7/10 vừa qua.
Ngày 14/10, quân đội Israel thông báo đang triển khai lực lượng khắp cả nước, cũng như tăng cường khả năng trực chiến cho các giai đoạn tiếp theo của xung đột, đồng thời yêu cầu người Palestine tại phía Bắc Dải Gaza sơ tán về phía Nam. Lệnh sơ tán đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Ngày 17/10, Người phát ngôn của Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc Ravina Shamdasani nhận định việc Israel phong tỏa Gaza và lệnh sơ tán người dân ở phía Bắc vùng lãnh thổ này có thể xem là hành vi cưỡng ép dân thường di dời và vi phạm luật quốc tế.
Bà Shamdasani bày tỏ quan ngại rằng lệnh sơ tán này, cùng với việc phong tỏa hoàn toàn Gaza sẽ không được xem là hành động sơ tán tạm thời hợp pháp, mà là cưỡng ép dân thường di dời, vi phạm luật quốc tế.
Những người sơ tán hiện đang mắc kẹt ở phía Nam Dải Gaza trong tình trạng lương thực cạn kiệt nhanh chóng, thiếu nơi ở, không có nước sạch, vệ sinh, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Trong tuyên bố riêng rẽ, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thông báo nguồn cung thực phẩm tại Gaza còn rất ít và tổ chức này đang dự trữ nguồn cung tại thành phố Al-Arish của Ai Cập.
Bà Abeer Etefa, quan chức phụ trách truyền thông khu vực của WFP tại Trung Đông và Bắc Phi, bày tỏ hy vọng có thể vận chuyển hàng cứu trợ ngay khi biên giới được mở.
Bà Etefa kêu gọi thiết lập hành lang an toàn để đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Theo Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine ở khu vực Cận Đông (UNRWA), dự trữ nhiên liệu tại tất cả các bệnh viện trên khắp Gaza chỉ còn đủ dùng trong 24 giờ tới.
Việc ngừng các máy phát điện dự phòng sẽ khiến hàng nghìn bệnh nhân đối mặt với nguy hiểm./.