Lốc xoáy đánh chìm 2 tàu cá: Khẩn trương tìm 15 ngư dân mất tích
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:23, 17/10/2023
Chìm tàu cá QNa 91782 TS và QNa 90039 TS, 15 ngư dân đang mất tích
Thông tin nhanh với Báo điện tử Chính phủ sáng nay (17/10), ông Phạm Viết Tích, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết có 2 tàu cá của ngư dân bị chìm, hiện còn 15 người mất tích trên biển.
Cụ thể vụ thứ 1, báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh lúc 01h ngày 17/10, 01 tàu cá QNa 90927 TS đang hoạt động tại tọa độ 13032'N-113027'E (cách bờ biển thành phố Quy Nhơn khoảng 240 hải lý về hướng Đông Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc) thì bị sóng đánh chìm.
Tàu cá QNa 91782 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 38 thuyền viên trên tàu cá QNa 90927 TS, hiện tại còn ngư dân Nguyễn Duy Định (SN 1960, trú tại Thị trấn Núi Thành/Núi Thành/Quảng Nam) đang mất tích.
Tàu QNa 91782 TS đang tổ chức tìm kiếm và kêu gọi các tàu cá hoạt động gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm.
Tàu cá QNa 90927 TS, do ông Trần Công Trường (SN 1981, trú Tam Giang/Núi Thành/Quảng Nam) làm thuyền trưởng; xuất bến tại Trạm KSBP An Hoà/Đồn Biên phòng CKC Kỳ Hà ngày 05/10/2023, hành nghề câu mực, trên tàu có 39 lao động.
Tàu cá QNa 91782 TS, do ông Trần Văn Kỵ (SN 1982, trú tại Tam Giang/Núi Thành/Quảng Nam) làm thuyền trưởng; xuất bến tại Trạm KSBP An Hoà/Đồn Biên phòng CKC Kỳ Hà ngày 05/10/2023, hành nghề câu mực, trên tàu có 52 lao động.
Vụ thứ 2, lúc 19h30' ngày 16/10, tàu cá QNa 90129 TS đang hoạt động tại tọa độ 13037'N-114039'E (cách mũi An Hòa/Quảng Nam khoảng 370 hải lý về hướng Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây/Trường Sa khoảng 70 hải lý về hướng Bắc Đông Bắc) thì bị lốc xoáy làm chìm tàu.
Tàu cá QNa 90039 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 40 thuyền viên trên tàu cá QNa 90129 TS, hiện tại còn 14 ngư dân đang mất tích. Tàu QNa 90039 TS đang tổ chức tìm kiếm và kêu gọi các tàu cá hoạt động gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm.
Tàu cá QNa 90129 TS, do ông Lương Văn Viên (SN 1976, trú Tam Giang/Núi Thành/Quảng Nam) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàucó 54 lao động.
Tàu cá QNa 90039 TS, do ông Lương Văn Cam (SN 1972, trú tại Tam Giang/Núi Thành/Quảng Nam) làm thuyền trưởng; hành nghề câu mực, trên tàu có 56 lao động.
Tổng cộng: Mất tích 15 người. Tàu cá QNa 90927 TS mất tích 01 người; tàu cá QNa 90129 TS mất tích 14 người.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đang huy động các lực lượng cùng tàu ngư dân tổ chức tìm kiếm các ngư dân mất tích.
Để kịp thời cứu nạn các ngư dân bị mất tích, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quan tâm, chỉ đạo các lực lượng có liên quan hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn các ngư dân bị mất tích nêu trên.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm của áp thấp đều có nguy cơ cao
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, hồi 04 giờ ngày 17/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,7-15,7 độ Vĩ Bắc; 110,3-111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 04 giờ ngày 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-3 mét.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật từ cấp 8): từ vĩ tuyến 13,5 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Dự báo gió mạnh, sóng lớn, mưa giông trên biển
Hiện nay (17/10), dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14-17 độ vĩ Bắc gây mưa dông mạnh trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bắc và giữa Biển Đông. Dự báo diễn biến trong 24h tới:
Thời điểm dự báo | Vùng biển ảnh hưởng | Gió mạnh | Độ cao sóng | ||||
Cấp gió (cấp Bô-pho) | Hướng | Độ cao (mét) | Hướng | ||||
Ngày và đêm 17/10 | Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi | Cấp 6, sau tăng lên 7, giật cấp 9. Biển động mạnh. | Đông Bắc | 2,0-4,5 | Đông Bắc | ||
Vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông | Cấp 6, giật cấp 8. Biển động. | Đông Bắc | 2,0-4,5 | Đông Bắc | |||
Vịnh Bắc Bộ | Cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. | Đông Bắc | 2,0-3,0 | Đông Bắc | |||
Ngoài ra, khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Cảnh báo: Ngày và đêm 18/10, khu vực vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 3.
Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp, thông báo cho các tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm
Hồi 18h00 ngày 16/10/2023 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 14/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hoá đến Khánh Hòa; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới để các cấp chính quyền và người dân chủ động ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.