Gia Lai: Kết nối, giới thiệu các mô hình sinh kế cho phụ nữ
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 15:49, 15/10/2023
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hàng trăm phụ nữ đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án 8 của Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhằm hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, bị bạo lực trên cơ sở giới, giúp họ nhận thức quyền và kỹ năng để làm chủ cuộc sống.
Trong khuôn khổ chương trình, các gian hàng giao lưu kết nối không chỉ giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ trong tỉnh, mà còn có sự góp mặt của phụ nữ tỉnh Kon Tum và Bình Phước. Đặc biệt, có sự tham gia của phụ nữ là nạn nhân mua bán người trở về, phụ nữ di cư sinh sống trên địa bàn tỉnh, đang tham gia tổ, nhóm sinh kế, hợp tác xã.
Theo bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, chương trình là cơ hội để các phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường cho các mô hình sinh kế tiêu biểu.
“Chúng tôi hy vọng qua hoạt động này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thể kết nối nhiều mô hình sinh kế tiêu biểu hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ yếu thế. Đây cũng sẽ là kinh nghiệm quý báu để nhân rộng tại các tỉnh, thành trên cả nước. Qua chương trình tại Gia Lai, chúng tôi cũng mong muốn lựa chọn được nhiều sản phẩm, mô hình đủ điều kiện để hỗ trợ các gói sinh kế, đồng thời giới thiệu trên gian hàng thương mại điện tử mà Trung tâm đang vận hành”, bà Dương Thị Ngọc Linh nhấn mạnh.
Song song với đó, Ban Tổ chức còn kết hợp tổ chức cuộc thi “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023 của phụ nữ Gia Lai để tôn vinh các ý tưởng và dự án xuất sắc của phụ nữ trong tỉnh. Cuộc thi đã nhận được 76 dự án tham gia của phụ nữ 17 huyện, thị, thành phố; trong đó có các dự án của phụ nữ khuyết tật.
Ban Tổ chức cuộc thi “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023 của phụ nữ Gia Lai đã lựa chọn 20 ý tưởng, dự án xuất sắc trao giải, trong đó, ý tưởng “Làng Văn hóa du lịch Jrai, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh” của “Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh” do chị H’Uyên Niê làm chủ nhiệm xuất sắc giành giải Đặc biệt của cuộc thi.
Dự án “Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu sạch và sản xuất các sản phẩm trà thảo dược hòa tan tại khu vực cao nguyên Kon Hà Nừng-Kbang” của chị Nguyễn Thị Thu Trang - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược thảo Lila tại xã Tân An, huyện Đak Pơ giành giải Nhất.
Hai ý tưởng đạt giải Nhì đều thuộc về phụ nữ dân tộc thiểu số, trong đó có một phụ nữ khuyết tật là chị Rơ Mah Vol (làng Ghè, xã Ia Dơk, Đức Cơ) với dự án “Buôn bán đồ thổ cẩm, túi khui bia”; dự án đạt giải Nhì còn lại của Chị Pel (Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku) với dự án “Dệt may thủ công thổ cẩm truyền thống”. Ngoài ra, Ban Tổ chức đã trao 3 giải Ba và 13 giải Khuyến khích cho các ý tưởng còn lại.
Sản phẩm từ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải của cuộc thi năm nay và các năm trước được quảng bá, giới thiệu tại các gian hàng của Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp diễn ra tại đường Anh hùng Núp từ ngày 13 đến hết 15/10. Đây là một sự kiện quan trọng để lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nhân rộng các mô hình, cách làm hay để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đến người dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời cũng là dịp để nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Bà Rơ Chăm H’Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Đây chính là giá trị, ý nghĩa của cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 mang lại. Qua cuộc thi, sẽ có nhiều phụ nữ có ý chí khởi nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.