Động lực hợp tác giữa Nga và các nước ASEAN trong kỷ nguyên số
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:22, 15/10/2023
Phiên Khai mạc toàn thể của Hội thảo. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Nga-ASEAN, từ ngày 12-14/10, tại Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Nga và ASEAN ở châu Á-Thái Bình Dương: Động lực hợp tác, các tiến trình khu vực và bối cảnh toàn cầu."
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra phiên khai mạc toàn thể và 14 phiên thảo luận chuyên đề với các chủ đề như “Những thách thức mới và thực trạng của các nước ASEAN,” “Hợp tác giữa Nga và các nước ASEAN trong kỷ nguyên số," “Hội nghị cấp cao ASEAN và EAS 2023: Các kết quả chính trị và kinh tế," “Xu hướng khu vực hiện đại trong bối cảnh chính trị-quân sự," “Nga và ASEAN trong giai đoạn hiện đại: Xu hướng và các vấn đề”…
Tham dự Phiên Khai mạc toàn thể có Chủ tịch Ban Hội nhập và Kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Á-Âu Sergey Glazyev, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nga-ASEAN Ivan Polyakov, cùng lãnh đạo Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), hàng chục chuyên gia, cán bộ Nga và các nước ASEAN làm việc trong lĩnh vực hợp tác Nga-ASEAN.
Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Rudenko khẳng định đối với Nga, quan hệ với ASEAN luôn nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại, vốn đã được thể hiện rõ trong “Khái niệm Chính sách Đối ngoại” được cập nhật gần đây của Moskva. Do đó, Hội thảo lần này của MGIMO có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình chính trị toàn cầu phức tạp như hiện nay.
14 phiên thảo luận chuyên đề chứng kiến sự tham gia của hơn 90 chuyên gia, học giả Nga và các nước ASEAN, với hơn 75 bài tham luận. Những chủ đề trọng tâm thu hút được đông đảo sự chú ý của các chuyên gia, học giả là triển vọng hợp tác Nga-ASEAN trong lĩnh vực năng lượng và chuyển đổi số, cũng như phương hướng khắc phục những khó khăn đang kìm hãm hợp tác Nga-ASEAN trong bối cảnh chinh trị quốc tế và khu vực phức tạp như hiện nay.
Trong bài phát biểu với nhan đề “Chiến lược Chuyển đổi Số của Việt Nam," học giả Ngô Di Lân của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết mục tiêu của Việt Nam là nhanh chóng hiện đại hóa nền kinh tế để có được năng lực cạnh tranh toàn cầu và vượt qua các thách thức như “bẫy thu nhập trung bình," đồng thời đảm bảo công bằng xã hội.
Việt Nam đang tập trung phần lớn nguồn lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Chuyển đổi Số, phối hợp các nỗ lực đa ngành và quốc tế để đẩy nhanh tốc độ ứng dụng kỹ thuật số vào nhiều mặt đời sống xã hội.
Về triển vọng hợp tác Nga-ASEAN trong lĩnh vực trên, học giả Ngô Di Lân nhấn mạnh ASEAN, trong đó có Việt Nam, sở hữu lượng lớn dân số trẻ, năng động và yêu thích sử dụng công nghệ, là nền tảng tốt cho hợp tác song phương.
Các nước ASEAN cũng xác định Chuyển đổi Số để thay đổi cấu trúc nền kinh tế là ưu tiên rất cao, ví dụ như Việt Nam coi đây là mục tiêu chiến lược để tạo ra sức bứt phát trong phát triển kinh tế. Xu hướng này tạo điều kiện thuận lợi cho Nga, với bề dày phát triển khoa học-công nghệ, trong quá trình thâm nhập thị trường ASEAN.
Trong khi đó, chuyên gia Irina Korgun, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga ở châu Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu về công nghệ thông tin.
Theo bà, ngành điện tử chiếm tỷ trọng 17,8% trong nền công nghiệp và gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với giá trị 114 tỷ USD, chủ yếu là sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học.
Do đó, chuyên gia Korgun khẳng định Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Chuyển đổi Số.
Trong hợp tác năng lượng, chuyên gia Inna Chuvychkina thuộc Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, nhận định trong bối cảnh Xứ sở Bạch dương đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt quốc tế, việc tìm kiếm các thị trường mới đóng vai trò hết sức quan trọng. ASEAN hiện nổi lên là thị trường đầy tiềm năng với nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050.
Bà Valeria Vershinina - Phó Giám đốc Trung tâm ASEAN-MGIMO, thành viên Ban Tổ chức - cho biết quy mô của Hội thảo năm nay lớn hơn đáng kể so với các năm khác.
Trong khuôn khổ Hội thảo kéo dài 3 ngày, các chuyên gia đã thảo luận về một số thành tựu phát triển kinh tế xã hội của từng quốc gia thành viên ASEAN, các vấn đề trong hợp tác hiện nay với Nga.
Đáng chú ý, ngày thứ 3 của Hội thảo được dành riêng cho các sinh viên, nghiên cứu sinh quan tâm đến Đông Nam Á. Đây được xem là bước đào tạo nhân sự làm việc trong lĩnh vực hợp tác Nga-ASEAN trong thời gian tới./.