Chính trị

Nguồn lực nội sinh văn hóa Đắk Nông (kỳ 3): Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đắk Nông

Thùy Dương 13/10/2023 10:04

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển bền vững đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ.

bia-ky-3-cuoi.png

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển bền vững đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ.

tit-1.png

Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển văn hóa xuyên suốt của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 “Xây dựng nền văn hóa đặc sắc, người dân có mức sống, thu nhập cao trong vùng Tây Nguyên”; đến 2045 “trở thành địa phương phát triển bền vững, xã hội văn minh và văn hóa đặc sắc nghĩa tình”.

van-hoa-2(1).jpg
Đánh chiêng chào đón khách trong một sự kiện

Đại hội đưa ra nhiệm vụ trọng tâm “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa – đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, “bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”...

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành 2 chương trình hành động: Sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông và Phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021-2025.

thac-dray-shap3(1).jpg
Đắk Nông phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa – đặc trưng sinh thái bản địa

Thực hiện các chương trình, Đắk Nông đã quan tâm chỉ đạo, quán triệt các đơn vị, địa phương đầu tư xây dựng mô hình hoạt động văn hóa dân gian phục vụ khách tại điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh và đạt được một số kết quả.

_dsc5440(1).jpg
Dệt thổ cẩm ở Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông)

TP. Gia Nghĩa đã thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm và tổ hợp tác làm rượu cần tại xã Đắk Nia. Đến nay, tổ hợp tác rượu cần đã trưng bày quy trình làm rượu cần tại Nhà trưng bày các vật dụng truyền thống của xã.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm hoạt động 3 ngày/tuần không những tạo công ăn việc làm cho các thành viên mà còn tạo ra những sản phẩm về văn hóa để phát triển du lịch tại địa phương, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch. Xã Đắk Nia đã thành lập tổ quản lý, các tổ chiêng, tổ ẩm thực, các tổ có thể tiếp nhận đoàn du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, kết hợp tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đắk Nông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Với sự chung sống của 40 dân tộc anh em tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, các lễ hội lâu đời độc đáo. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thị xã có giá trị cao về đa dạng sinh học, địa chất, văn hóa. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa nền tảng để phát triển các sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn thu hút du khách.

Tại huyện Đắk Glong, địa phương thành lập 2 câu lạc bộ cồng chiêng thường xuyên hoạt động phục vụ khách tại các điểm đến du lịch (1 câu lạc bộ xã Quảng Khê và 1 câu lạc bộ xã Đắk Som) với 40 thành viên sinh hoạt. Các câu lạc bộ đã biểu diễn phục vụ khách du lịch trung bình 4 lượt/một câu lạc bộ/năm góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Còn tại Krông Nô, huyện có 4 câu lạc bộ, trong đó, câu lạc bộ cồng chiêng ở xã Nâm Nung thường xuyên tổ chức hoạt động phục vụ khách du lịch tại điểm đến du lịch (thác Đray Sáp).

_dsc4273(1).jpg
Giới thiệu văn hóa ẩm thực bản địa qua các món ăn truyền thống

Hầu hết các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hoạt động hiệu quả, thu hút hàng ngàn hội viên tham gia, thường xuyên phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương góp phần nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Hoạt động không chỉ góp phần thu hút và phục vụ du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm đến du lịch tại địa phương mà còn giới thiệu, quảng bá các giá trị, di sản, văn hóa, du lịch, con người Đắk Nông đến với du khách trong nước và quốc tế.

quang.png

Hiện Đắk Nông đang triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong đó, tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 điểm là bon N'Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa và buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Đắk Nông đầu tư bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp và bon N’Drung Lu, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song trở thành bon văn hóa tiêu biểu để đón khách du lịch.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 nhấn mạnh: “Phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”. Đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh.

a7(1).jpg
Đắk Nông bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tại 41 điểm đến trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Bên cạnh đó, việc ưu tiên các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các điểm đến trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cũng được chú trọng thực hiện.

UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở VHTT- DL hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tại 41 điểm đến trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nhằm bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở VHTT- DL tiến hành tổng kiểm kê di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh trong vùng Công viên địa chất để làm cơ sở trình cấp thẩm quyền công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Năm 2023, di tích khảo cổ hang C6 - 1, xã Nam Đà, huyện Krông Nô thuộc vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được Bộ VHTT- DL công nhận di tích cấp quốc gia…

_dsc9349x(1).jpg
Di tích khảo cổ hang C6-1, xã Nam Đà, huyện Krông Nô

Theo các chuyên gia, các giá trị văn hóa không tự nó trở thành sản nghiệp văn hóa mà phải có sự quảng bá, đầu tư, thu hút khách đến tham quan, khám phá, nghiên cứu. Các giá trị văn hóa phải được gắn kết giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông với hoạt động du lịch của địa phương, theo tinh thần: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch... đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.

“Du khách đến với địa phương có văn hóa riêng sẽ
khơi gợi được trí tò mò, thu hút họ muốn tìm hiểu, khám phá”

Đồng chí Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở VHTT - DL tỉnh Đắk Nông

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để phát triển du lịch văn hóa, mỗi địa phương cần phải có một vài sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, độc đáo và khác biệt sẽ hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng và bao trùm giúp cho du khách quốc tế dễ dàng lựa chọn và kéo dài thời gian lưu trú khi đến địa phương. Điều quan trọng hơn cả là đáp ứng kỳ vọng của đa số du khách quốc tế đến để biết về những nét văn hóa đích thực mà nơi cư ngụ của du khách không có.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định, nhấn mạnh vai trò của văn hóa với phát triển du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ, trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

duong-1-.png
Du lịch văn hóa góp phần phục vụ công tác bảo tồn
tit-phu.png

Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành các chương trình, đề án. Trong đó, Đắk Nông xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người tỉnh Đắk Nông phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ; đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển vững chắc của tỉnh. Tỉnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức…

Trên lĩnh vực xây dựng văn hóa, đạo đức trong cán bộ, đảng viên, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng...

dji_0037x(1).jpg
Đắk Nông xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ

Sau thời gian triển khai, nhân cách văn hóa, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trên toàn tỉnh được rèn luyện trong thực tiễn công tác; môi trường văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Lối sống văn minh, nhân ái, nghĩa tình trong cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư và trong xã hội được đề cao, từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, trong công tác và cuộc sống… Công tác đoàn kết tương trợ cộng đồng, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, thiên tai, khó khăn, hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện… đạt nhiều kết quả tích cực.

4(1).jpg
Phát huy sức mạnh con người Đắk Nông trong xây dựng quê hương

Năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. Đắk Nông chọn chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đắk Nông trong xây dựng quê hương, đất nước”.

Chuyên đề năm 2023 đề cập một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng văn hóa con người Đắk Nông đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đó là tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa xây dựng con người Đắk Nông trong sự nghiệp đổi mới và mục tiêu phát triển bền vững; coi trọng xây dựng văn hóa trong Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Nông; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Đắk Nông trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.

Tỉnh Đắk Nông tập trung xây dựng con người Đắk Nông “văn minh – nhân ái – nghĩa tình” trong cuộc sống, xây dựng con người Đắk Nông phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần với 5 chuẩn mực: thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập.

cau-14-cu-jut(1).jpg
Cầu Sêrêpốk (cầu 14) là 1 trong 41 điểm di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nối liền hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông

Triển khai chuyên đề, đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Các cấp ủy đảng đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đắk Nông trong xây dựng quê hương, đất nước vào chương trình, công tác hàng năm của từng ngành, từng cấp gắn với việc sinh hoạt chi bộ và thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

ngo-thanh-danh.png

Đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, tỉnh Đắk Nông tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; hình ảnh, vị thế của tỉnh Đắk Nông từng bước được khẳng định và nâng cao. Một trong những bài học kinh nghiệm là tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển; kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.

Đồng chí Ngô Thanh Danh yêu cầu trong thời gian tới tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa ứng xử. Thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới sâu rộng trong Nhân dân.

Nội dung: Thùy Dương, Lệ Sương, Thanh Thanh

Thiết kế: Thùy Dương

Ảnh: Ngô Minh Phương, Đinh Thanh Hải

Thùy Dương