Bắt tay với 100 hộ làm vườn đẹp như phim, một nông dân Đà Lạt đưa rau quả vào siêu thị khắp nước

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 09:20, 13/10/2023

Với việc liên kết cùng khoảng 100 hộ dân trồng rau, củ, quả trên diện tích gần 150ha, anh Nguyễn Đông Hải, một người quê Hà Tĩnh hiện ở TP Đà Lạt, (tỉnh Lâm Đồng) đã cung cấp hàng ngàn tấn rau cho loạt siêu thị trên cả nước.

Bỏ dở giấc mơ đại học

Giữa bạt ngàn rừng thông bao bọc trên đường Vòng Lâm Viên (phường 8, TP Đà Lạt) phóng viên Dân Việt được dẫn vào khu nhà kính của anh Nguyễn Đông Hải.

Anh Hải đang là người điều hành Công ty TNHH Việt Farm chuyên trồng, cung cấp các sản phẩm rau, củ, quả cho thị trường cả nước. Đặc biệt, các sản phẩm trên được liên kết với khoảng 100 hộ dân trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Dẫn trực tiếp phóng viên vào thăm trang trại trồng ớt chuông, bí sợi mì, bí ngô baby, dưa leo đang cho thu hoạch, anh Hải nhớ lại thời điểm mới "chân ướt, chân ráo" từ Hà Tĩnh vào TP Đà Lạt.

"Tôi vào Đà Lạt từ năm 2003, cho đến năm 2005 thì mới thi và đậu ngành Môi trường của trường Đại học Đà Lạt. Thời điểm đó, tôi vừa đi học, vừa đi làm, có thời điểm đi bốc vác rau, hoa cho các nhà vườn được 300-400 ngàn đồng. Đi làm khoảng 10 ngày là có đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, đóng học cả tháng.

Thời điểm đó, vào các dịp lễ, tết, tôi còn cùng bạn vào các nhà vườn mua rau, hoa để bán lại kiếm lời. Tới năm thứ 2 học đại học, tôi đã thấy nản và muốn khởi nghiệp ở tuổi đôi mươi.

Nghĩ lại sao lúc đó không cố chút nữa để có tấm bằng đại học trong tay. Nhưng thời điểm đó, học xong rồi ra trường xin việc là cả 1 vấn đề, trong khi kinh tế gia đình khó khăn".

Liên kết 100 nông hộ, 8X Hà Tĩnh đưa nông sản Đà Lạt ra khắp cả nước - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Đông Hải dẫn phóng viên thăm những cây ớt chuông được trồng trong trang trại của mình.

Chính vì muốn kinh doanh, nản việc học nên đầu năm 2007, anh Hải đã cùng 1 người bạn cầm cố chiếc xe máy với giá 4 triệu đồng để lên kế hoạch thành lập công ty.

Nhiều lần lên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng làm giấy phép nhưng sai liên tục, may mắn anh Hải được một cán bộ hỗ trợ vì thấy tâm huyết và đam mê.

"Thời điểm đó, mẹ tôi vào Đà Lạt làm việc, sinh sống để cho tôi đi học. Tôi cũng có chị gái và anh rể sống, làm việc ở Đà Lạt. Thế nhưng, khi biết tôi thành lập công ty cùng bạn thì cả nhà đã can ngăn, muốn tôi tập trung vào việc học. Nhưng khi được tôi thuyết phục, mọi người đã tin tưởng và tạo cơ hội cho tôi. Anh rể có miếng đất chuẩn bị làm nhà cũng đã đưa sổ đỏ cho tôi đi vay ngân hàng để thuê 2ha đất trồng rau.

Tháng 6/2007, chúng tôi trồng được lứa rau đầu tiên. Dù trồng rau tốt, nhưng chất lượng không đảm bảo nên không bán được.

Đó lại thất bại đầu tiên của tôi khi khởi nghiệp với nông nghiệp. Hỏi các vựa rau xung quanh để bán rau nhưng bị ép giá quá nên tôi đã bắt xe xuống TP.Hồ Chí Minh để tìm mối, cuối cùng cũng bán được giá 10.000 đồng/kg, thu hồi được vốn", anh Hải nhớ lại thời điểm khó khăn của mình.

Liên kết 100 nông hộ, 8X Hà Tĩnh đưa nông sản Đà Lạt ra khắp cả nước - Ảnh 3.

Anh Hải cùng bạn đã thành lập công ty, khởi nghiệp thành công với 4 triệu tiền “cầm cố” xe máy.

Anh Hải cũng cho biết, từ năm 2007 đến năm 2009, trang trại trồng rau của anh liên tục gặp phải tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

Có thời điểm, anh Hải đã nợ lên đến 2 tỷ đồng. Sau nhiều ngày trăn trở, anh Hải cho rằng, chỉ có kênh bán hàng trong siêu thị, liên kết với người dân thì mới bán được hàng, có được nguồn hàng lâu dài cung cấp cho thị trường. Chính vì thế, anh Hải đã tìm hiểu và tập trung vào sản xuất rau theo hướng GlobalGAP.

Liên kết 100 nông hộ, 8X Hà Tĩnh đưa nông sản Đà Lạt ra khắp cả nước - Ảnh 4.

Anh Hải bên những cây bí sợi mì đang hot trên mạng xã hội thời gian qua.

Đồng hành cùng người dân

Nhờ sự cố gắng trong 2 năm mà tới cuối năm 2009, trang trại trồng rau của anh Hải đã có được chứng nhận GlobalGAP.

Đó cũng là tiền đề để anh Hải đưa sản phẩm của mình vào trong các siêu thị như BigC, Vinmart, Mega Market...

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, anh Hải đã cung ứng cho chuỗi các siêu thị trên trong cả nước với 4.500 tấn nông sản gồm cà chua, xà lách, ớt chuông, rau ăn lá và rau ăn trái. Dự kiến đến cuối năm, trang trại của anh Hải sẽ cung ứng 6.000 tấn rau ra thị trường.

Liên kết 100 nông hộ, 8X Hà Tĩnh đưa nông sản Đà Lạt ra khắp cả nước - Ảnh 5.

Toàn bộ rau, củ, quả trong trang trại của anh Hải được chăm sóc và đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Chỉ tay vào những hàng ớt chuông đang phát triển xanh tốt trong trang trại, anh 8X Nguyễn Đông Hải cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang liên kết với khoảng 100 hộ dân để trồng các loại rau, củ, quả trên diện tích hơn 150ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Với phương châm liên kết "Nhà nông và doanh nghiệp cùng có lợi", chúng tôi luôn đồng hành, hỗ trợ người dân liên kết một cách tốt nhất.

Khi người dân liên kết với chúng tôi thì sẽ được ký cam kết về giá theo 2 mùa là mùa thuận và mùa nghịch. Nếu giá thị trường biến động lên hoặc xuống quá 30% thì chúng tôi sẽ có điều chỉnh giá khoảng 10% cho người dân.

Ngoài ra, chúng tôi đứng ra nhập khẩu các loại giống cây trồng cao cấp, về ươm tại trang trại rồi giao cây giống cho người dân với giá ưu đãi hơn ngoài thị trường. Song song với đó là chúng tôi cho người dân trả chậm cho tới khi thu hoạch nông sản vào cuối vụ".

Liên kết 100 nông hộ, 8X Hà Tĩnh đưa nông sản Đà Lạt ra khắp cả nước - Ảnh 6.

Hiện nay, anh Hải đang liên kết với khoảng 100 hộ dân trồng các loại rau, củ, quả trên diện tích gần 150ha.

Anh Hải cũng cho hay, công ty của anh hiện có đội ngũ kỹ thuật chuyên hỗ trợ, tư vấn cho các nông hộ liên kết về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng theo các tiêu chuẩn của chứng nhận VietGAP. Trong năm 2024, anh Hải sẽ lựa chọn ra những nông hộ ưu tú, có thành tích tốt nhất để hỗ trợ chứng nhận GlobalGAP. Những nông hộ được chứng nhận GlobalGAP sẽ được ký giá cố định với giá cao hơn, ổn định hơn so với chứng nhận VietGAP.

Đặc biệt nhất, hiện nay tại trang trại rộng khoảng 8ha của anh Hải, anh đã lắp đặt hệ thống 32 camera để giám sát quy trình chăm sóc, sản xuất của công nhân. Hệ thống camera này cũng được sử dụng để cho khách hàng có thể trực tiếp xem được hoạt động ở trang trại.

Liên kết 100 nông hộ, 8X Hà Tĩnh đưa nông sản Đà Lạt ra khắp cả nước - Ảnh 7.

Anh Hải có thể dễ dàng kiểm tra, theo dõi bên trong các trang trại nhờ hệ thống camera.

Cầm chiếc điện thoại rồi mở hệ thống camera trong trang trại anh Hải giải thích cho phóng viên biết: "Hiện nay, chúng tôi đang thử nghiệm công nghệ trên, chẳng hạn, nếu khách hàng phát hiện có vấn đề trong sản phẩm của chúng tôi trên thị trường thì người dùng có thể dùng mã code trên bao bì để truy cập và xem camera trực tiếp tại nông trại.

Vì đang thử nghiệm nên chỉ áp dụng cho các sản phẩm cao cấp, khi khách hàng muốn xem cũng phải có sự hỗ trợ của kỹ thuật viên của công ty. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phủ rộng công nghệ này trên các sản phẩm khác".

Trong thời gian tới, anh Hải sẽ đẩy mạnh việc sản xuất các loại rau, củ, quả tại các khu vực có khí hậu tương đồng với TP.Đà Lạt như Đắk Nông, Mộc Châu (Sơn La), Sapa (Lào Cai)... để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

pv