Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Nông hòa nhập với cuộc sống số

Hồng Thoan 13/10/2023 12:06

Nhiều doanh nghiệp Đắk Nông đã, đang tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giúp hàng hóa tiếp cận thị trường hiệu quả.

Cuối năm 2021, Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) bắt đầu đưa các sản phẩm của mình lên các sàn TMĐT như Shoopee, Lanzada... Lúc đó, hàng tháng, Công ty chỉ có vài đơn hàng cho các khách lẻ, khách mua trải nghiệm, dùng thử là chính. Qua 3 năm áp dụng, đến nay, TMĐT đã là một kênh bán hàng hiệu quả, đem lại doanh thu khá cao cho Công ty. Trung bình, mỗi tháng, Công ty có từ hàng trăm đơn hàng như cà phê bột, ca cao, mắc ca... được bán trên các sàn TMĐT, doanh thu đạt khoảng 40 triệu đồng.

dsc_0939(1).jpg
Mỗi tháng, Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) bán hàng trăm sản phẩm qua các sàn TMĐT, mạng xã hội

Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan cho biết, thông qua TMĐT, Công ty tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. “Nhờ đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, sản phẩm bán qua sàn TMĐT và mạng xã hội của Công ty đã tăng khoảng 10% so với năm 2022”, anh Hoàng tiết lộ.

Anh Hoàng cho biết thêm, ngoài các sàn TMĐT, phần lớn sản phẩm được bán qua website của Công ty, với khoảng vài tấn/tháng. TMĐT lâu nay là kênh tiêu thụ sản phẩm chính của Công ty.

Chị Trương Thị Diệu Thương, quê ở Hà Tĩnh, là khách du lịch đến Đắk Nông. Chị đã tìm đến các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan để mua sản phẩm làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Theo chị Thương, chị biết đến sản phẩm của Công ty qua Shoopee và facebook. Khi đến Đắk Nông, chị đã đến tận cửa hàng của Công ty để tìm hiểu và mua sản phẩm.

dsc_0973(1).jpg
Chị Trương Thị Diệu Thương (bên phải ảnh) là khách du lịch đến Đắk Nông. Chị đã mua các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan để làm quà biếu.

Sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thái Hằng (Đắk Mil) đã nhanh chóng tiếp cận thị trường cũng nhờ sàn TMĐT. Sản phẩm nước lau sàn từ cây sả mang nhãn hiệu Ánh Dương của Công ty ngày càng được người tiêu dùng trong nước sử dụng nhiều hơn. TMĐT đã giúp cho Công ty khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm, nên doanh thu ngày càng tăng.

Đắk Nông hiện có 1.161 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn TMĐT như Voso.vn, Postmart.vn, Shoppe, Ocop.vn và một số mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Zalo. Trong đó, 60 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tổng số giao dịch trên sàn TMĐT đối với các sản phẩm của Đắk Nông trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 27.528 lượt.

Đắk Nông hiện có 111.390 hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin, đạt 65,8% mục tiêu đề ra. Số hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số là 135.711 hộ, đạt tỷ lệ 80,2% mục tiêu. Các sản phẩm giao dịch trên các sàn TMĐT đều đạt các chứng nhận về sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, nên ngày càng được người tiêu dùng, các đối tác tìm hiểu, sử dụng. Điều này góp phần tiêu thụ nông sản của tỉnh hiệu quả. Tham gia sàn TMĐT giúp quảng bá hình ảnh, tiềm năng cạnh tranh của nông nghiệp Đắk Nông của tỉnh.

dsc_0014(1).jpg
Gạo Buôn Choáh (Đắk Nông) được nhiều người biết nhiều trên sàn TMĐT

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhận định, nông sản giao dịch trên sàn TMĐT ngày càng có nhiều lợi thế cạnh tranh. Vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua các khâu trung gian, không tốn nhiều chi phí. Bên cạnh đó, với kênh TMĐT, các hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mặt khác, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên TMĐT đang dần tạo ra thói quen mua sắm mới cho tiêu dùng mới.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh đều đã tiếp cận, tiếp thị sản phẩm thông qua các nền tảng số. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt các nền tảng số chưa phải là nhiều. Để giúp các doanh nghiệp phát huy đầy đủ hiệu quả của kênh bán hàng này, vẫn cần sự phối hợp hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, bộ ngành liên quan.

Thời gian qua, các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố đã hợp tác với một số đối tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, hộ dân về tham gia giao dịch trên nền tảng số. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức tập huấn các chương trình đào tạo để mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng TMĐT. Từ đó, góp phần giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất hay hợp tác xã có thể chủ động vận hành được kênh bán hàng của mình trên sàn TMĐT một cách hiệu quả.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng các nền tảng số thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tỉnh hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT cho 2.000 sản phẩm, trong đó 100% sản phẩm OCOP. Đến năm 2025, tỷ lệ giao dịch sản phẩm của tỉnh trên sàn TMĐT tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022.

Hồng Thoan