Doanh nghiệp bưu chính viễn thông Đắk Nông thay đổi để thích ứng
Thị trường bưu chính viễn thông ngày càng cạnh tranh khốc liệt trước sự ra đời của nhiều nhà cung cấp và các dịch vụ số. Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp của ngành phải linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để giữ vững thị phần.
Đa dạng dịch vụ số
Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông của tỉnh thời gian qua đã tích cực đầu tư, nâng cấp hạ tầng số, phục vụ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm thông tin liên lạc trên địa bàn thông suốt. Ở lĩnh vực bưu chính, đến nay, Đắk Nông đang có 11 đơn vị cung cấp các dịch vụ bưu chính chuyển phát. Trong đó, chiếm thị phần lớn nhất là Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel. Các đơn vị còn lại chỉ tham gia với thị phần nhỏ, chủ yếu là cung cấp dịch vụ chuyển phát hàng hóa.
Toàn tỉnh hiện có 57 bưu cục, 19 đại lý, 46 điểm bưu điện văn hoá xã, 46 điểm phục vụ hình thức khác; có 2 tuyến đường thư cấp I, 4 tuyến đường thư cấp II, 39 đường thư cấp III. Ngoài ra có các tuyến đường thư của các doanh nghiệp khác cùng tham gia khai thác dịch vụ bưu chính, không phân chia đường thư các cấp, chủ yếu vận chuyển bằng xe máy… Trong 9 tháng của năm 2023, tổng sản lượng thư đi của các doanh nghiệp đạt hơn 235.000 cái; sản lượng gói kiện đi thực hiện được gần 998.000 cái.
Thị trường viễn thông, internet ngày càng phát triển. Đắk Nông đang có 4 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, bao gồm: Viễn thông Đắk Nông, Chi nhánh Viettel Đắk Nông, Mobifone Đắk Nông và Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile. Các doanh nghiệp đã đáp ứng tốt việc phục vụ nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông trên nền tảng điện thoại di động và internet cố định như: dịch vụ thoại, truy cập internet, dịch vụ data và các dịch vụ giá trị gia tăng khác.
Đến nay, toàn tỉnh đang có 10.425 thuê bao cố định hoạt động; 776.233 thuê bao di động; 106.210 thuê bao internet cố định; 569.137 thuê bao internet di động; 34.289 thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền.
Đến nay, 71/71 xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm. Tỷ lệ dân số được phủ sóng theo công nghệ 4G đạt khoảng 95,3%. Trong đó, Viettel Đắk Nông đã triển khai thử nghiệm mạng di động 5G trên địa bàn TP. Gia Nghĩa.
Tổng số thuê bao internet cáp quang là hộ gia đình của toàn tỉnh là 103.184 thuê bao. Tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cố định đạt 59,52%; số thuê bao băng rộng cố định/100 dân: 15,84 thuê bao; số thuê bao băng rộng cố định/100 dân: 84,88 thuê bao.
Thay đổi để tồn tại
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ số, việc cạnh tranh về giá cả và chất lượng đang đặt ra nhiều áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành bưu chính viễn thông của tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, VNPT Đắk Nông liên tục nâng cấp, mở rộng mạng lưới và cơ sở hạ tầng. Từ đó giúp bảo đảm dịch vụ ổn định và cung cấp công nghệ mới.
Trong đó, doanh nghiệp đã tập trung vào phát triển các dịch vụ số hóa như: truyền hình trực tuyến, giải pháp IoT (Internet of Things) và các ứng dụng di động để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các chương trình khuyến mãi và dịch vụ chăm sóc khách hàng được đơn vị triển khai mạnh mẽ để tạo niềm tin và gia tăng thị phần. Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của VNPT Đắk Nông đạt được trên 72%, vượt kế hoạch được giao. Trong đó: doanh thu dịch vụ di động trên 71%; doanh thu công nghệ thông tin trên 70%; doanh thu dịch vụ băng rộng cố định trên 72%.
Hiện nay, VNPT Đắk Nông tiếp tục là nhà cung cấp các giải pháp số có hệ sinh thái số phong phú trải dài trên tất cả các lĩnh vực cho tỉnh như: giáo dục, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh… Các sản phẩm cụ thể đó là: triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC); phần mềm ứng dụng dành cho người dân và doanh nghiệp (DAKNONG-C); quang hóa 100% các trạm BTS và cung cấp đường truyền full IP cho các trạm BTS 3G; cung cấp dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng; hệ thống báo cáo kinh tế xã hội…
Ngoài ra, đơn vị đang thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển hệ sinh thái số, bao gồm các giải pháp công nghệ số như: chữ ký số, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, và quản trị doanh nghiệp…
Tương tự, với mạng lưới điểm phục vụ bao phủ từ tỉnh tới cơ sở, thời gian qua, Bưu điện tỉnh Đắk Nông luôn nỗ lực nghiên cứu, từng bước cải tiến dịch vụ theo hướng tăng tiện ích cho khách hàng và tăng hiệu quả dịch vụ. Giám đốc Bưu điện tỉnh Lê Văn Hùng cho hay, sau đại dịch, thương mại hàng hóa suy giảm mạnh ở nhiều khu vực. Các khoản chi tiêu được thắt chặt hơn, hàng hóa lưu thông chậm lại, dẫn đến sản lượng chuyển phát của ngành suy giảm so với trước kia.
Để bắt nhịp với những thay đổi từ thị trường, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, lấy yếu tố con người là then chốt để giải quyết những vấn đến cơ bản của doanh nghiệp. Đặc biệt, đơn vị đẩy mạnh việc triển khai rà soát tổ chức sản xuất, hợp lý hóa quy trình cung cấp dịch vụ để phù hợp với tình hình kinh doanh, thị trường và đối thủ cạnh tranh.
Trong đó, doanh nghiệp đã thực hiện ứng dụng triệt để các nền tảng công nghệ thông tin trong các công đoạn tổ chức sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian, nhân công. Các phần mềm được đơn vị ứng dụng mạnh như: App My Vietnam Post, Dingdong, Mpits, SSM, Pack&Send.... Bưu điện tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành để triển khai dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong 9 tháng, tổng số hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đạt hơn 37.000 hồ sơ…
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu toàn Bưu điện tỉnh đạt 50 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực bưu chính chuyển phát đạt 25 tỷ đồng; tài chính bưu chính đạt 14 tỷ đồng, phân phối hàng hóa đạt 11 tỷ đồng.
Hy vọng, với những chiến lược phát triển kinh doanh mới sẽ giúp ngành Bưu chính Viễn thông của tỉnh sớm bắt kịp với sự thay đổi từ thị trường, nhất là trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.