Kinh tế

Những "đầu tàu" đưa nông sản Đắk Nông xuất ngoại

Lê Dung 13/10/2023 05:00

Với những lợi thế về khí hậu, đất đai, chính sách, Đắk Nông đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Từ đó góp sức đưa nông sản của địa phương khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Những "đầu tàu"

ca-phe-toan-hang-(1).jpg
Các sản phẩm cà phê của DNTN Toàn Hằng (Đắk R'lấp) đang được xuất khẩu qua thị trường các nước trên thế giới

Là một trong những đơn vị chủ lực đầu tư vào chế biến cà phê xuất khẩu của tỉnh, DNTN Toàn Hằng, xã Nhân Cơ (Đắk Rấp) hiện đang là đối tác tin cậy của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sau 12 năm thành lập, tháng 10/2015, để mở rộng thị trường, doanh nghiệp đã thành lập thêm Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Trang Thịnh Vinh, phụ trách riêng về mảng nông sản xuất khẩu cho đơn vị.

Sau 8 năm tham gia thị trường xuất khẩu, đến nay, mặt hàng cà phê của Công ty đã hiện diện ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và Philipines.... Hiện nay, bình quân mỗi năm, doanh nghiệp đang sản xuất cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 tấn cà phê.

img_0324(1).jpg
DNTN Toàn Hằng (Đắkk R'lấp) không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào quá trình chế biến cà phê phục vụ xuất khẩu

Không chỉ chú trọng tìm lối đi riêng, doanh nghiệp còn đề cao tính cộng đồng, tập thể trong kinh doanh, sản xuất. Doanh nghiệp hiện đang liên kết với gần 11.000 nông hộ quanh vùng để sản xuất 1.500 ha cà phê và xây dựng nhà máy theo các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 22000, HACCP, 4C, UTZ-RA...

“Chúng tôi không ngừng hoàn thiện các quy trình, nâng cấp các thiết bị, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng tốt hơn cho thị trường quốc tế và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Doanh nghiệp luôn sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực nông nghiệp để xây dựng thương hiệu nông sản cho Đắk Nông”, ông Trương Công Toàn, Chủ DNTN Toàn Hằng chia sẻ.

hong-duc-4(1).jpg
Hạt điều rang muối của Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) đang xuất khẩu với sản lượng lớn qua thị trường Trung Quốc

Là doanh nghiệp thu mua hạt điều thô và sản xuất nhân hạt điều xuất khẩu, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, sản phẩm của Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) hiện đang có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Minh Nguyệt bày tỏ, điều rang muối chính là một trong những sản phẩm khởi nguồn đầu tiên cho chuỗi chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sau này của doanh nghiệp. Từ năm 2008, sau thời gian nghiên cứu, nắm bắt thị trường, những mẻ điều rang muối đầu tiên đã được xuất lò, nhưng vẫn chỉ cung ứng cho thị trường nhỏ lẻ.

Đến tháng 8/2017, sản phẩm tình cờ được một khách hàng ở Trung Quốc biết đến và lập tức kết nối, rồi ký kết mua hàng với số lượng lớn. Đối tác cũng chia sẻ thêm về bí quyết rang hạt điều sao cho thơm, giòn, bắt mắt và hoàn hảo nhất. Đây cũng chính là bước đệm lớn nhất mang lại thành công cho thương hiệu “Điều rang muối” của doanh nghiệp ngày nay.

“Để nâng tầm giá trị hạt điều Đắk Nông, doanh nghiệp luôn chú trọng tới tất cả các khâu sản xuất. Ngoài hệ thống kho bãi, nhà xưởng, máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất điều nhân, Công ty đã đầu tư 9 lò rang để sản xuất điều rang muối. Công suất mỗi ngày của 1 lò rang đạt 1,4 tấn. Nguyên liệu được chọn lọc kĩ lưỡng, đạt chuẩn. Tất cả được phân loại và bảo quản cẩn thận”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty cho biết thêm.

Mỗi năm, doanh nghiệp đang sản xuất và cung ứng cho thị trường gần 10.000 tấn điều các loại. Sản phẩm của doanh nghiêp hiện có tới 99% sản lượng phục vụ xuất khẩu. Trong đó, thị trường xuất khẩu mạnh nhất là Trung Quốc.

dieu-hong-duc-5(1).jpg
Điều nhân trắng của Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) được xuất khẩu qua Mỹ và các nước châu Âu

Đắk Nông hiện có 18 doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu; trong đó, có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (Công ty Olam). Tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 20%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo Sở Công thương, quy mô các mặt hàng xuất khẩu của Đắk Nông đã được tăng lên đáng kể. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm có: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF, alumin... Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp Đắk Nông được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philipines, Nhật Bản... Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới đến các nước châu Phi, Trung Đông…

chanh-day-long-hue(1).jpg
Chanh dây là mặt hàng xuất khẩu mới của Đắk Nông trong những năm gần đây

Theo quy định mới nhất của Liên minh châu Âu (EUDR), từ tháng 12/2024, 100% một số sản phẩm nông nghiệp, nhất là cà phê, khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn. Từ đó, nước nhập khẩu có thể xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

Ông Trương Công Toàn, Chủ DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp) cho rằng, bên cạnh những thách thức, quy định mới của EUDR chính là cơ hội để ngành hàng cà phê của Đắk Nông tái cơ cấu lại gắn với sử dụng tài nguyên đất đai bền vững, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng...

Theo ông Toàn, với quy định mới này, hoạt động xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Bởi trước đó, toàn bộ diện tích trồng cà phê của đơn vị đã được quản lý chặt chẽ, có cơ sở dữ liệu về vườn cây, truy xuất nguồn gốc, phân lập vùng trồng.

cf-ngoi-sao(1).jpg
Cà phê của Đắk Nông sẽ là một trong những mặt hàng đối diện với những thách thức và cơ hội từ EUDR

Ngay từ khi làm cà phê theo tiêu chuẩn 4C, Rainforest… các đối tác đã yêu cầu doanh nghiệp minh chứng đầy đủ các thông tin về vườn trồng và được kiểm tra hàng năm qua Google Maps. Để đáp ứng yêu cầu tại EUDR, đồng thời phát triển ngành hàng cà phê của tỉnh bền vững, hiệu quả, Đắk Nông đã đề xuất đẩy mạnh truyền thông, phổ biến về EUDR đến tất cả các bên có liên quan như: các đơn vị chủ rừng, người dân sống gần rừng, ven rừng; nông hộ, các tổ chức, cá nhân, chế biến, kinh doanh ngành hàng cà phê… Bên cạnh đó là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Trong đó, quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu với quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao.

Đắk Nông hiện có xấp xỉ 140.000 ha cà phê. Năng suất cà phê trung bình của tỉnh đạt 2,5 - 3 tấn/ha; sản lượng bình quân khoảng 350.000 – 400.000 tấn/năm. Cà phê của tỉnh xuất khẩu đến 10 quốc gia, với sản lượng khoảng 110.000 tấn/năm.

Lê Dung