Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số, phát triển kinh tế, xã hội số

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 18:20, 12/10/2023

Ngày 12/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số (Fintech), phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số, phát triển kinh tế, xã hội số ảnh 1
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa tham luận tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số, phát triển kinh tế, xã hội số ảnh 1
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa tham luận tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, sự gia tăng của các công ty khởi nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số trong nước cho thấy sự thay đổi hướng tới một hệ sinh thái tài chính toàn diện và dễ tiếp cận hơn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số trong nước đã tăng gấp 4 lần trong vài năm qua, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên hơn 150 công ty vào năm 2021. Còn theo báo cáo gần đây của UOB (United Overseas Bank), năm 2022 có hơn 200 công ty…

Từ đó, ông Nguyễn Thiện Nghĩa khẳng định, doanh nghiệp công nghệ số có vai trò quan trọng đối với thúc đẩy phát triển thanh toán số, giúp mang dịch vụ đến cho mọi người ở bất kỳ nơi nào; công nghệ có thể giúp cho cả những khách hàng thu nhập thấp và điều này khiến cho nhiều người sử dụng hơn; dịch vụ tài chính cũng an toàn và minh bạch hơn cho cá nhân, doanh nghiệp và cả Chính phủ…

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Ra Lan Trương Thanh Hà cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Đến nay, về hạ tầng kỹ thuật, các cơ quan nhà nước của tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu chuyển số; 100% cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được trang bị máy tính; 100% cơ quan cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã có hệ thống mạng nội bộ và có kết nối Internet băng thông rộng. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư bảo đảm công việc quản lý, vận hành, cấp phát tài nguyên triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh; mở rộng, nâng cao chất lượng vùng phủ sóng 4G trên phạm vi toàn tỉnh và triển khai phát sóng thử nghiệm 5 trạm thu phát sóng di động 5G tại thành phố Buôn Ma Thuột trong tháng 3/2023…

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số, phát triển kinh tế, xã hội số ảnh 2
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Ra Lan Trương Thanh Hà tham luận tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, việc kết nối, chia sẻ các hệ thống từ Trung ương tới địa phương chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Nguồn nhân lực số, năng lực số cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng; cấp phường, xã chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn; trình độ sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân còn hạn chế nên việc tiếp cận, cài đặt sử dụng các nền tảng số còn gặp nhiều khó khăn…

Tham luận tại hội thảo, một số hiệp hội, tổ chức tín dụng đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thanh toán số của doanh nghiệp, tổ chức tại địa phương cũng như giải pháp để thúc đẩy thanh toán số, kinh tế số, xã hội số…

Theo đánh giá của đại diện của Hiệp hội Doanh nhân tỉnh Đắk Lắk, tình hình thanh toán số tại tỉnh đang phát triển tích cực. Các doanh nghiệp tại tỉnh đã nhận thức rõ lợi ích của giải pháp thanh toán số và có nhiều lựa chọn để phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sự đa dạng và tính tiện lợi của các giải pháp này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, việc tiếp tục nắm bắt và áp dụng các tiến bộ trong thanh toán số là điều cần thiết để bảo đảm sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp tại Đắk Lắk trong tương lai.

Đại diện các doanh nghiệp đề nghị, trong thời gian tới, để thúc đẩy thanh toán số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tỉnh Đắk Lắk cần đồng hành với các doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số. Đồng thời, tăng cường đầu tư về hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đặc biệt là tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về thanh toán không tiền mặt, nêu bật những lợi ích, thúc đẩy và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, các phương thức thanh toán không tiền mặt một cách an toàn, hợp lý, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Ra Lan Trương Thanh Hà cho biết: Để phát huy nhu cầu thanh toán số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nâng cao sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số và phát triển mạnh mẽ sàn giao dịch điện tử bảo đảm kết nối cung cầu; nhất là chuỗi giá trị nông sản, du lịch…

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên chuyển đổi số 8 lĩnh vực: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và logistics, công nghiệp và năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch, tài chính và ngân hàng… góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

NGUYỄN CÔNG LÝ