Nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại dải Gaza
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:45, 12/10/2023
Tại hội nghị, Hy Lạp đề xuất kế hoạch, trong đó nhấn mạnh việc tổ chức một hội nghị đặc biệt về tình hình Trung Đông, với sự tham gia của Liên hợp quốc, EU, Liên đoàn Arab (AL), Israel và Chính quyền Palestine.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Israel thông báo phong tỏa toàn bộ dải Gaza.
Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết, Iran sẵn sàng tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng OIC để thảo luận về tình hình dải Gaza, đồng thời kêu gọi các nước Hồi giáo ủng hộ các quyền của người Palestine. Bộ trưởng Ngoại giao Iran cũng có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Ai Cập và Qatar.
Thảo luận qua điện thoại về biện pháp ngăn chặn xung đột lan rộng ở khu vực, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định lại sự cần thiết ngừng bắn ngay lập tức và nối lại đàm phán. Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin bày tỏ quan ngại về thương vong dân thường ở Israel và dải Gaza.
Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân đạo tìm giải pháp nhằm đưa hàng viện trợ đến người dân ở dải Gaza đang thiếu thốn nhu yếu phẩm.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Israel thông báo phong tỏa toàn bộ dải Gaza. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cho rằng, không được ngăn cản các hoạt động cứu trợ nhân đạo, cung cấp các dịch vụ thiết yếu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi thiết lập một hành lang nhân đạo nhằm giúp người dân tại dải Gaza tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu. Chương trình Lương thực Thế giới (WEF) đặt mục tiêu hỗ trợ lương thực thiết yếu cho khoảng 800.000 người ở khu vực.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 11/10 khẳng định, EU tiếp tục hỗ trợ nhân đạo người dân Palestine, song sẽ xem xét cẩn thận việc hỗ trợ tài chính. Trước đó, các bộ trưởng ngoại giao EU tiến hành họp khẩn ở Oman, thảo luận về tình hình xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, EU kêu gọi Israel không cắt nguồn cung điện, nước và lương thực tại dải Gaza, đồng thời hối thúc thiết lập các hành lang nhân đạo ở khu vực.
Ai Cập thông báo sẽ cử bác sĩ và một đoàn xe viện trợ thực phẩm, thiết bị y tế đến dải Gaza, thông qua cửa khẩu Rafah. Jordan cũng gửi viện trợ nhân đạo và hỗ trợ y tế khẩn cấp cho người Palestine ở dải Gaza thông qua cửa khẩu này.
Ngày 11/10, chuyến bay của Hãng hàng không Fiji Airways chở 200 công dân Fiji, cùng người Australia, New Zealand, Canada và Mỹ rời Tel Aviv của Israel. Mỹ phối hợp các quốc gia lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi dải Gaza. Cyprus triển khai kế hoạch cấp nơi ở tạm thời và hỗ trợ công dân EU và các nước rời Israel.
Theo giới chức Palestine, kể từ khi xung đột bùng phát đến nay, số người Palestine chết và bị thương tăng lên lần lượt hơn 1.000 và 5.100 người. Trong khi đó, quân đội Israel ngày 11/10 thông báo, ít nhất 1.200 người chết và 2.700 người bị thương trong cuộc xung đột với Hamas.